Bến Tre: Thi công quốc lộ, hàng chục hộ dân kêu cứu

Hàng chục hộ dân ấp Bình Thới, xã An Thạnh, Mỏ Cày Nam, Bến Tre đã hai lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre vì tình trạng ngập úng nặng xảy ra tại nơi này. Theo người dân, nguyên nhân là do ảnh hưởng của việc thi công dự án tuyến quốc lộ 60 đoạn dẫn vào cầu Cổ Chiên.

Bít cống làm ngập nhà dân

Theo phản ánh của 32 hộ dân ấp Bình Thới, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công khi san lấp mặt bằng đã bít hết các lối thoát nước nhưng không làm cống thay thế. Điều này dẫn đến việc ấp Bình Thới ngập cục bộ suốt hai tháng qua, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Để chống ngập, nhiều gia đình đã chủ động đắp bờ bao xung quanh vườn, đồng thời mua máy bơm để bơm nước ra ngoài cứu vườn cây ăn trái. Thế nhưng do mưa xuống, nước ngập quá nhiều nên việc bơm nước, đắp bờ bao cũng không mấy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đua, 68 tuổi, ngụ ấp Bình Thới, bức xúc: “Từ khi bị ngập nước đến nay, vườn dừa, bưởi da xanh rộng hơn 7.000 m2 của tôi bị ảnh hưởng thấy rõ. Dừa rụng trái non hàng loạt, bưởi thì có dấu hiệu bị héo hon, rụng trái. Nếu ngập úng còn kéo dài nông dân chúng tôi có nguy cơ mất trắng”.

Người dân khốn khổ vì cảnh ngập úng do thi công lộ kéo dài hơn hai tháng nay. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Không chỉ vậy, do bị chặn hết các lối thoát, nước ứ đọng quá lâu khiến môi trường ô nhiễm rất nặng. Ông Nguyễn Văn Đạt, 63 tuổi, cho biết: “Cứ mưa xuống là ngập tràn lan, nước tràn vào sân, nhà lênh láng, bốc mùi hôi thối chịu không nổi. Gia đình tôi đã đắp bờ bao xung quanh vườn, lắp hai máy bơm chạy suốt ngày đêm để bơm nước bẩn ra ngoài nhưng cũng không ăn thua”.

Nhiều người lo ngại tình trạng trên kéo dài sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và đe dọa hơn 13 ha hoa màu, cây ăn trái của người dân. “Chúng tôi đã làm đơn đề nghị xây cống thoát nước tại khu vực này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Đạt bức xúc.

Ngày 21-11, Công ty BOT cầu Rạch Miễu sẽ họp cùng Ban quản lý dự án 7 và chính quyền địa phương để đưa ra hướng xử lý và trả lời cụ thể cho người dân ấp Bình Thới.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐỨC
Phó Giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu 

Bên muốn dời cống, bên không chịu

Theo thiết kế, tại ấp Bình Thới sẽ có một cống thoát nước có chiều ngang 2 m, dài 40 m thay thế cống nhỏ hiện hữu ngay nhà bà Nguyễn Thị Đá (hay còn gọi là cống bà Đá). Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân việc đặt cống mới tại vị trí trên không phát huy tác dụng, thay vào đó nên di dời cống Bà Đá đến vị trí thích hợp.

Ông Võ Trường An, Chủ tịch UBND xã An Thạnh, cho biết thời gian qua chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên. Những lần như vậy xã đều lập đoàn đi khảo sát thực tế rồi báo cáo lên huyện. Huyện cũng đã làm việc với đơn vị thi công và đơn vị này đồng ý hỗ trợ người dân di dời cống thoát nước về vị trí mới. “Nhưng trở ngại hiện nay là khi lấy ý kiến người dân để xác định vị trí cống mới thì có một số hộ không đồng ý đặt cống gần nhà họ. Chính vì vậy vấn đề ngập úng ở ấp Bình Thới chưa giải quyết được” - ông An nói.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã giao cho UBND huyện Mỏ Cày Nam phối hợp cùng chủ đầu tư là Công ty BOT cầu Rạch Miễu giải quyết bức xúc của người dân. “Sắp tới huyện Mỏ Cày Nam sẽ cùng Công ty BOT cầu Rạch Miễu khảo sát lại các vị trí đặt cống. Vị trí nào bắt buộc phải làm theo thiết kế để đảm bảo lợi ích lâu dài của công trình thì huyện có trách nhiệm giải thích cho người dân hiểu để đạt được thỏa thuận chung” - ông Hoàng nói.

Tuyến quốc lộ 60 đoạn dẫn vào cầu Cổ Chiên là một trong bốn gói thầu của dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng bốn đoạn tuyến quốc lộ 60, nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre. Dự án được Bộ GTVT giao nhà đầu tư cầu Rạch Miễu là Liên doanh Công ty Cổ phần Thương mại Nước giải khát Khánh An và Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Toàn dự án có tổng chiều dài 22,38 km, tổng kinh phí thực hiện 1.800 tỉ đồng. Dự án hoàn thành nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông trên quốc lộ 60 đoạn từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm