“Không có việc ai phải chịu trách nhiệm cho việc Bến xe Thượng Lý hoạt động như thế nào. Bởi khi thực hiện thì các chủ trương, hành lang pháp lý cho quy trình đóng cửa bến xe cũ và điều chỉnh luồng tuyến tại các bến xe trên địa bàn chưa có” - đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng trả lời PV sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài “Vận động doanh nghiệp xây bến xe rồi… bỏ luôn”.
Như chúng tôi đã thông tin, Bến xe Thượng Lý (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) được Công ty Cổ phần Kim khí Hải Phòng đầu tư. Trước đó, UBND TP Hải Phòng kêu gọi đầu tư Bến xe Thượng Lý để thay thế Bến xe Tam Bạc. Tháng 5-2015, Bến xe Thượng Lý hoạt động nhưng sau đó Hải Phòng không thực hiện “cam kết dời bến xe cũ về”, gây nguy cơ phá sản cho Bến xe Thượng Lý.
Bị phản ứng gay gắt nên “xù”
Sau khi báo đăng, đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải, liên hệ phóng viên và khẳng định việc đầu tư Bến xe Thượng Lý là để thay thế Bến xe Tam Bạc.
. Phóng viên: Vì sao ban đầu UBND TP và Sở GTVT yêu cầu dời các tuyến xe khách từ Bến xe Tam Bạc về bến Thượng Lý nhưng sau đó lại thôi?
+ Ông Nguyễn Quang Hiếu: UBND TP giao Sở GTVT điều chuyển hoạt động ở Bến xe Tam Bạc để thu hồi đất ở bến xe này. Chúng tôi đã đề nghị chuyển 100 chuyến/ngày (chiếm 2/3) từ Bến xe Tam Bạc về Thượng Lý. Số còn lại thì các hãng xe được chọn hoặc về Thượng Lý hoặc về một bến khác (Niệm Nghĩa). UBND TP đồng ý với phương án này.
Tuy nhiên, khi triển khai, các hãng xe phản ứng gay gắt. Họ cho rằng doanh nghiệp vận tải phải được quyền lựa chọn, đăng ký bến xe hoạt động. Đúng là chúng tôi thiếu hành lang pháp lý trong việc đóng cửa một bến xe và quy trình điều chỉnh các hoạt động của các luồng tuyến ở những bến xe.
Trong khi đó, việc đóng cửa Bến xe Tam Bạc phát sinh các vấn đề an ninh trật tự phức tạp. Vì vậy, UBND TP đã họp và chỉ đạo rằng: Cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, thống nhất thì dừng, không chuyển 100 chuyến xe/ngày về Thượng Lý mà giải quyết theo nguyện vọng của hãng xe. Nghĩa là tỉnh không áp đặt “ông” nào về đâu mà để các doanh nghiệp lựa chọn. Điều này cũng phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Cảnh đìu hiu ở Bến xe Thượng Lý sau khi đi vào hoạt động. Ảnh: ĐẶNG TUYỀN
“Không ai phải chịu trách nhiệm”
. Tại sao chưa có hành lang pháp lý mà Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP kêu gọi và có các hành động, chỉ đạo như thể đón các hãng xe từ Tam Bạc về Thượng Lý?
+ Chúng tôi làm việc theo quy định của pháp luật. Việc đầu tư Bến xe Thượng Lý là câu chuyện dài. Họ phải chuẩn bị tài chính trong vòng năm năm đến 10 năm, thậm chí là 15 năm chứ không phải không có những tuyến từ Bến xe Tam Bạc chuyển về là họ không hoạt động được. Hiểu như thế là thiển cận, không phù hợp với một nhà đầu tư. Mặt khác, nếu có chuyển 100 chuyến xe về Thượng Lý thì chưa chắc giải quyết được khó khăn của Bến xe Thượng Lý.
. UBND TP và Sở GTVT có các đảm bảo cho hoạt động của Bến xe Thượng Lý, như Quyết định 332/2014 của TP duyệt quy hoạch Bến xe Thượng Lý thay thế Bến xe Tam Bạc. Từ sự đảm bảo này, doanh nghiệp đầu tư nhưng để xảy ra cớ sự hiện nay thì thiệt hại của doanh nghiệp sẽ được giải quyết thế nào?
+ Không có việc ai phải chịu trách nhiệm cho việc Bến xe Thượng Lý hoạt động thế nào. Ngoài ra, Sở GTVT làm gì đều có những báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.
Tuy vậy, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT ưu tiên hết mức cho Bến xe Thượng Lý. TP cũng quy hoạch hoạt động các bến xe khách trên địa bàn với yêu cầu những hãng xe muốn mở thêm tuyến mới phải đăng ký ở Bến xe Thượng Lý. Hiện có khoảng 80 chuyến đang chuẩn bị đi vào hoạt động, chúng tôi ưu tiên duyệt tới 60 chuyến về Bến xe Thượng Lý.
. Xin cám ơn ông.
Nên vận động xe vào bến mới Trong việc này cần xem lại giữa tỉnh và nhà đầu tư có thỏa thuận bằng văn bản hay không, có ghi rõ nghĩa vụ của Hải Phòng sẽ “đưa các hãng xe về bến mới” không. Tuy nhiên, các hãng xe được chọn bến hoạt động, Nhà nước không được ép buộc nên dù Hải Phòng có văn bản thì cũng vô hiệu, nói gì là “hứa suông”. Vì vậy, nhà đầu tư không thể kiện để đòi TP hay Sở GTVT dồn xe vào bến mình. Khi thỏa thuận vô hiệu, nhà đầu tư chỉ có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tòa sẽ xác định lỗi của các bên để cân nhắc mức bồi thường. Lẽ ra khi đầu tư bến xe, Nhà nước và nhà đầu tư cần thỏa thuận với các hãng xe về việc chuyển vào bến mới, chính sách chuyển đổi, giá cả ở bến mới. Điều này rất quan trọng vì nếu giá cả không hợp lý thì hãng xe sẽ không vào bến mới, bất kể Nhà nước ép. Hãng xe đồng ý chính sách, giá cả, ký thỏa thuận cam kết vào bến mới thì nhà đầu tư mới cân nhắc khả năng thu chi; sự hỗ trợ của cơ quan chức năng về thủ tục, cấp phép... rồi mới quyết định. Nếu nhà đầu tư không làm rõ các quyền lợi, nghĩa vụ ba bên này thì nhà đầu tư rất dễ bị rủi ro do bên thứ ba (hãng xe) không chịu vào bến mới. Bây giờ là cần “xử lý tình huống”. Nếu Hải Phòng có thiện chí thì nên phối hợp với chủ bến xe, đưa ra chính sách phù hợp để vận động các hãng xe chuyển vào bến mới. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được, thông qua việc quy hoạch bến bãi, triệt để dẹp xe “dù”, bến “cóc” để các hãng xe tìm bến đàng hoàng. Khi đó, bến bãi đã có sẵn, giá cả và cách thức vận hành hợp lý sẽ thu hút được hãng xe vào bến. Cách làm này vừa giữ được uy tín cho cơ quan quản lý, không mang tiếng thất hứa với nhà đầu tư hiện hữu và từ đó có thể mời gọi những nhà đầu tư sau này ở các lĩnh vực xã hội hóa khác. Điều quan trọng nữa là lợi ích lâu dài về trật tự an toàn, thuận tiện giao thông, mỹ quan ở địa phương được đảm bảo khi quy hoạch bến bãi, phương tiện đi lại thuận lợi cho người dân. Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM QUỲNH NHƯ ghi Năm 2011, UBND TP Hải Phòng kêu gọi xã hội hóa đầu tư Bến xe Thượng Lý thay thế Bến xe Tam Bạc để thực hiện quy hoạch trung tâm TP. Bến xe Thượng Lý xây xong, UBND TP giải tỏa bến xe cũ nhưng lại không thực hiện cam kết. Để có được 50 tỉ đồng xây bến xe, nhiều cổ đông có cả đảng viên, thương binh, gia đình chính sách đã gom góp tiền bạc, vay tiền đầu tư. Sau đó, Bến xe Thượng Lý hoạt động chỉ khoảng 10% công suất, nguy cơ phá sản rất rõ. Vì thế, dù công ty không có ý định thì các cổ đông cũng yêu cầu khởi kiện để bảo vệ quyền lợi. Ông LƯU THÀNH ĐÔNG, |