Bệnh đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ

(PLO)- Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 13,7 triệu người tử vong vì bệnh đột quỵ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12, Hội Đột quỵ TP.HCM phối hợp Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức hội thảo chủ đề “Tương lai của phòng ngừa đột quỵ”.

Tại hội thảo, TS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chia sẻ theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 13,7 triệu người tử vong vì bệnh đột quỵ.

Trên thế giới, có 25% người sau 25 tuổi mắc đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ, ảnh hưởng đến 116 triệu người.

Tại Việt Nam, tần suất lưu hành bệnh đột quỵ là 1.100-1.200/100.000 người. Tỉ lệ tử vong vì đột quỵ trên 100.000 dân là 210 người.

bệnh đột quỵ - 1
Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Tân, dù có nhiều tiến bộ trong công tác điều trị nhưng sau 10 năm, bệnh đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, ảnh hưởng tới 71% sức khỏe lao động.

Đối với những bệnh nhân sau khi điều trị đột quỵ, có 77% bệnh nhân quay lại cuộc sống bình thường, 21% tàn phế và 8,3% tử vong.

Nếu so sánh với Thái Lan, tỉ lệ tử vong trên đầu người tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần, trong đó đột quỵ do nhồi máu não cao gấp 3 lần.

“Về chi phí y tế, chúng ta có thể thấy gánh nặng bệnh đột quỵ tiêu tốn mỗi năm ước tính khoảng 860 tỉ đô la, chiếm khoảng 12 phần trăm GDP toàn cầu” - bác sĩ Tân nói.

Theo đó, bác sĩ này điểm qua một số nguyên nhân đột quỵ gây ra gánh nặng như vậy. Đầu tiên là công tác dự phòng tiên phát và thứ phát. Hiện nước ta chưa có nhiều chương trình lớn về tầm soát yếu tố nguy cơ để dự phòng tiên phát cũng như kiểm soát yếu tố nguy cơ cho người đột quỵ.

Thứ hai, tiêu chuẩn điều trị của các bệnh viện điều trị đột quỵ hầu như chưa đồng đều, một số nơi điều trị chuyên sâu, một số nơi lại điều trị ban đầu.

Cuối cùng, vấn đề cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế cũng chưa đồng đều. Vì vậy sau khi bệnh nhân điều trị đột quỵ, chúng ta còn bỏ ngỏ giai đoạn điều trị thứ phát và phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ.

Để điều trị đột quỵ tốt cũng như giảm gánh nặng cho xã hội, chúng ta cần giải pháp tiếp cận bệnh nhân sớm. Nếu bệnh nhân được tiếp cận sớm trong 15 phút, giảm 4% nguy cơ tử vong và tăng 4% nguy cơ sống sót.

Cần nâng cao ý thức của người dân về nhận biết dấu hiệu đột quỵ, tránh áp dụng các phương pháp truyền miệng không khoa học, gây mất thời gian vàng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ.

TS.BS VÕ VĂN TÂN, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm