Ai không buồn vì quá nản với căn bệnh đeo đuổi suốt đời? Ai không chán vì cuộc sống mất chất lượng trên cả hai mặt tâm thể! Ai không căng thẳng với chế độ sinh hoạt phải kiêng cữ đủ điều! Ai còn đủ nghị lực để tin ngày mai sẽ khá hơn hôm nay nếu đã bước qua tuổi trung niên với bàn tay phá bĩnh ngấm ngầm của hội chứng mãn dục nam ở đàn ông, hay hội chứng mãn kinh ở phụ nữ. Còn bệnh nào hội đủ các nhân tố “thấy ghét” như vừa mô tả cho bằng bệnh tiểu đường?
Buồn vì thuốc ngủ
Bệnh nhân tiểu đường 10 người hết chín phải dùng thuốc dài lâu. Trầm uất lại là phản ứng phụ nổi bật của thuốc hạ đường huyết. Dùng thuốc càng thường, càng mau buồn bã, bực bội, đau đầu, mất ngủ, đãng trí… Thầy thuốc tất nhiên phải tìm cách cho thuốc chống trầm cảm nhưng các loại thuốc này hầu như không tác dụng nếu đường huyết không ổn định. Tệ hơn nữa là việc lạm dụng thuốc an thần ở người bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể trước mắt ngủ vùi một cách tạm bợ nhưng nếu tưởng nhờ đó đẩy lùi bệnh trầm uất thì sai cả cây số. Thầy thuốc chuyên khoa thần kinh đã chứng minh hẳn hoi là bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp không những dễ bị trầm uất mà còn là miếng mồi ngon của đột quỵ, nghĩa là ứng viên hàng đầu của phòng cấp cứu.
Nên áp dụng hoạt chất sinh học trong cây thuốc chọn lọc để ngăn chặn tác hại của bệnh biến tiểu đường trên mạng lưới thần kinh ngoại biên.
Mệt vì hóa chất tổng hợp
Chính vì thế mà việc kết hợp hoạt chất sinh học như khoáng tố vi lượng, sinh tố, hoạt chất thực vật… trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường để ngăn chặn tình trạng bệnh trầm uất là khuynh hướng hiện nay của thầy thuốc, coi trọng quan điểm điều trị toàn diện thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu hạ đường huyết, thay vì chỉ chú trọng căn bệnh rồi quên người bệnh. Đáng tiếc vì nhiều thầy thuốc Tây y vẫn chưa kết hợp khoáng tố vi lượng như kẽm, crôm, mangan, boron, selen… trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Quả thật đáng tiếc vì không ít thầy thuốc chữa bệnh tiểu đường chưa có thời giờ đọc qua các báo cáo về công năng chống trầm uất thông qua tác dụng ổn định đường huyết của gaba trong gạo mầm, anthocyanin trong rau quả, betaglucan trong nấm, lycopen trong cà chua, resveratrol trong rượu vang…
Không đau mới hay!
Ai không tê mỏi hạ chi, đau nhức bắp thịt dù không vận động, ai thường vọp bẻ về đêm khiến mất ngủ và nhất là cảm giác kiến bò dưới da khiến ngứa ngáy bất chợt? Đó là hình ảnh thường gặp ở người bệnh tiểu đường, ngay cả trong trường hợp lượng đường huyết được điều trị ổn định. Tình trạng này có tên chuyên môn là viêm thần kinh ngoại biên, tất nhiên nghiêm trọng hơn nhiều ở đối tượng có lượng đường trong máu trồi sụt quá thất thường.
Không bệnh là chuyện hiếm
Viêm đa thần kinh ngoại biên tuy không trầm trọng trước mắt đến độ gọi là biến chứng trong bệnh tiểu đường nhưng rõ ràng là bệnh lý đi kèm như hình với bóng. Lý do rất dễ hiểu vì mạng lưới thần kinh ngoại biên khó tránh, không bị công kích bởi các phế phẩm sản sinh trong tiến trình rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo. Thêm vào đó là rối loạn chất điện giải. Hậu quả là dẫn truyền thần kinh khó có tiến độ và chất lượng như mong muốn. Bắp thịt ở tứ chi, đặc biệt là hạ chi, rõ nét hơn hết là vùng bàn chân vì dễ thiếu máu do xa trái tim, khi đó khó tránh thiếu dưỡng khí cũng như dưỡng chất trong khi chất sinh đau nhức như acid uric, acid lactic… tích lũy càng lúc càng nhiều. Người bệnh tiểu đường nếu không đau, không tê mới là chuyện lạ.
Dùng thuốc bớt đau nhưng thêm bệnh
Cơ chế sinh bệnh tuy không quá phức tạp nhưng thầy thuốc lại gặp trở ngại khi điều trị vì thuốc giảm đau tuy có tác dụng trước mắt nhưng rồi cũng chính thuốc làm tăng đường huyết, nghĩa là vô tình tiếp tay cho bệnh tiểu đường. Đó là chưa kể đến phản ứng phụ khó tránh của thuốc hóa chất khi dùng dài lâu trên cơ thể đã mong manh lại thêm rất nhạy cảm của người bệnh tiểu đường. Liệu pháp lại không thể là chuyện ngày một ngày hai vì viêm đa thần kinh ngoại biên bám chặt người bệnh còn hơn đỉa đói!
Cắn hoài chịu gì nổi?
Nếu tưởng viêm đa thần kinh ngoại biên là chuyện nhỏ vì không mấy ai vì thế phải nhập viện cấp cứu thì lầm. Tình trạng đau nhức tê mỏi kéo dài là lý do khiến nạn nhân mất dần chất lượng của cuộc sống. Mất ngủ, trầm uất, suy nhược thần kinh khi đó không mời cũng đến và là đòn bẩy để đường huyết càng dễ dao động thất thường. Không lạ gì khi nhiều thầy thuốc chuyên khoa nội tiết ở châu Âu đã từ lâu áp dụng hoạt chất sinh học trong cây thuốc chọn lọc để ngăn chặn tác hại của bệnh biến tiểu đường trên mạng lưới thần kinh ngoại biên. Đáng tiếc là nhiều thầy thuốc trị bệnh tiểu đường ở xứ mình vẫn chưa kết hợp Đông y trong phác đồ điều trị trong khi nhiều dược thảo trong kho tàng kinh nghiệm y học dân gian đã được xác minh tác dụng ổn định đường huyết, nhất là bảo vệ vi mạch, yếu điểm trong bệnh tiểu đường.