Tối 24-1 (Mùng 3 tết Quý Mão 2023), PLO có mặt tại khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM và ghi nhận rất đông bệnh nhân mắc các bệnh suy hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm tủy cấp, đột quỵ, viêm ruột thừa, viêm túi mật…. Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân đang ở trong tình trạng bệnh tình trở nặng vì nhập viện trễ.
Nằm trên băng ca, bà TTH (58 tuổi, TP.HCM) ôm bụng rên. Người nhà cho biết sáng mùng 1 tết, bà H đau âm ỉ vùng bụng bên phải nhiều giờ liền. Sau đó, cơn đau tăng dần và lan ra xung quanh. Chưa hết, bà H còn bị tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn…
Con gái bà H chia sẻ: “Cả nhà định đưa vô BV nhưng má tôi nhất định không đi với lý do đầu năm đầu tháng vô BV sẽ xui cả năm. Hôm nay, do chịu đau không nổi nên má tôi mới chịu vô BV”.
Bác sĩ đang thăm khám ca đột quỵ nặng do đưa tới bệnh viện trễ. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Sau khi thăm khám và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bà H bị viêm ruột thừa cấp. Điều đáng nói do bà H tới BV trễ, có nguy cơ vỡ ruột thừa nên các BS chỉ định phẫu thuật cắt ruột.
Tương tự, ông TVB (56 tuổi, ở Đồng Nai) được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng trên bên phải, đau vùng vai phải. Chưa hết, ông B còn rơi vào tình trạng sốt, nôn…
Người nhà cho biết ông B có những biểu hiện nói trên vào trưa mùng 1 tết nhưng nhất định không đi BV với lý do “đầu năm vô BV thì cả năm vô dài dài".
Sau khi xét nghiệm máu và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán ông B bị viêm túi mật. Do tới BV trễ nên các mô trong túi mật bị hoại tử, nguy hại tính mạng. Để cứu ông B, các bác sĩ phải phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật.
Cũng vì kiêng cữ đi BV ngày đầu năm mà bà VTL (52 tuổi, TP.HCM) bị đột quỵ nặng. Người nhà cho biết chiều mùng 1 tết, khuôn mặt bà L mất cân đối, mặt bên trái chảy xệ, cười méo mó.
Chưa hết, bà L không thể cử động tay chân, yếu liệt bên phải, nói ngọng, dính chữ… Nghi ngờ bà L bị đột quỵ, người nhà định kêu xe chở đi BV nhưng chồng bà L can ngăn với lý do “đầu năm đầu tháng vô BV thì xui xẻo cả năm”.
“Tới hôm nay (mùng 3 tết), cha tôi mới chịu cho mẹ vô BV. Tuy nhiên, BS nói đưa vô trễ nên đã “qua giờ vàng”. Do vậy, mẹ tôi phải điều trị lâu nhưng kết quả không cao"- con trai bà L thở dài.
Bác sĩ Đặng Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, cho biết nơi đây chỉ tiếp nhận 155 ca cấp cứu vào mùng 1 tết. Tuy nhiên, qua mùng 2, con số tăng lên 197 và đến 20 giờ mùng 3 tết, số ca cấp cứu đã gần 200.
“Rất nhiều trường hợp suy hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm túi mật, viêm phổi, tắc ruột, đột quỵ… đưa tới BV trễ nên chuyển nặng, phải phẫu thuật hoặc nhập viện điều trị” - BS Hiền nói.