Bệnh tiêu hóa thường gặp ngày xuân

Mâm cao cỗ đầy ngày tết dễ làm nhiều người bị đầy bụng, khó tiêu - Ảnh: T.T.D.

Một số lời khuyên sau sẽ giúp chúng ta xử trí các bệnh tiêu hóa thường gặp.

Chứng đầy bụng khó tiêu

Ăn quá nhiều làm vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa gây nên tình trạng no hơi, trướng bụng, mau no, đau tức bụng.

* Xử trí:

+ Uống men tiêu hóa sau bữa tiệc giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa xử lý thức ăn.

+ Ăn một lát gừng tươi trước hoặc sau các bữa tiệc có tác dụng lợi mật, kích thích tiết dịch tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động dạ dày sẽ hạn chế những khó chịu.

* Cần đến bác sĩ khám khi có các dấu hiệu sau:

+ Kèm theo đau bụng nhiều.

+ Kèm theo nôn ói nhiều, nôn vọt (nôn nhanh và nôn rất mạnh).

+ Kèm theo sốt.

+ Kèm theo bí trung tiện và đại tiện.

+ Dùng thuốc mà sau 6-8 giờ triệu chứng vẫn còn.

* Phòng tránh: Ăn ít tinh bột, ít chất béo, chất đạm. Ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong nên vận động nhẹ nhàng.

Bệnh viêm loét dạ dày (đau bao tử)

Mùa xuân cũng là mùa tái phát bệnh viêm loét dạ dày do chế độ ăn uống không điều độ, ăn nhiều gia vị; uống nhiều bia rượu, cà phê; sinh hoạt không đúng giờ giấc; căng thẳng lo toan...

- Triệu chứng: đau vùng bụng trên ở giữa rốn và xương ức (chấn thủy). Có thể kèm theo buồn nôn, ợ hơi, ợ chua.

* Xử trí:

+ Có thể uống thuốc gói Phosphalugel hay thuốc nhai (Maalox) sau khi ăn 30 phút giúp giảm nhanh những cơn đau dạ dày.

* Cần đến bác sĩ khám khi có các dấu hiệu sau:

+ Đau bụng nhiều, đau lan sang hai bên, đau lan ra sau lưng, lan lên ngực hoặc lan xuống dưới rốn bên phải.

+ Kèm theo nôn ói nhiều, nôn vọt (nôn nhanh và nôn rất mạnh).

+ Kèm theo sốt.

+ Sau uống thuốc 1-2 giờ mà triệu chứng không cải thiện.

+ Đi cầu phân đen.

* Phòng tránh:

+ Ăn uống sinh hoạt điều độ: ăn đúng giờ, tránh thức khuya.

+ Hạn chế ăn gia vị, ăn đồ chua cay. Không nên uống bia rượu.

+ Ăn chậm, nhai kỹ.

Tiêu chảy cấp do ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng thường là đau bụng vùng rốn và dưới rốn kèm với đi cầu phân lỏng hoặc phân đàm nhày. Đôi khi có triệu chứng buồn nôn, nôn ói trước rồi mới bắt đầu tiêu chảy. Ngoài ra người bệnh có thể bị hoa mắt, chóng mặt, tê chân tay, vọp bẻ.

* Xử trí:

Trong tủ thuốc gia đình nên có vài loại thuốc sau để dùng khi bị tiêu chảy cấp:

+ Thuốc gói Smecta: uống 2-3 gói/ngày giúp giảm triệu chứng tiêu chảy cấp.

+ Thuốc viên Carbotrim uống 2 viên, 2 lần/ngày giúp giảm triệu chứng tiêu chảy và sát khuẩn đường ruột.

+ Bù nước bằng đường uống: Nên dùng gói Oresol New, pha 1 gói với 200ml nước sôi để nguội và uống dần.

* Cần phải đến bác sĩ khám khi có các dấu hiệu sau:

+ Tiêu phân lỏng trên 5 lần/ngày.

+ Đi cầu phân có đàm nhớt hoặc lẫn máu.

+ Hoa mắt, chóng mặt, tê mỏi tay chân, vọp bẻ.

+ Trướng bụng nhiều.

+ Nôn ói nhiều, không uống được.

+ Sốt trên 380C.

+ Môi lưỡi khô, da khô, mắt trũng sâu.

+ Triệu chứng không cải thiện sau một ngày dùng thuốc.

* Phòng tránh:

+ Nên ăn chín, uống sôi, ăn sạch.

+ Không nên tích trữ thức ăn quá nhiều rồi dư thừa phải bảo quản kéo dài, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm vì thức ăn sử dụng lại nhiều lần sẽ dễ bị hư và nhiễm khuẩn.

+ Thức ăn đã để ngoài sau 4-6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng.

Viêm tụy cấp (sưng lá mía)

Bệnh rất dễ gặp mùa tết ở cánh mày râu. Nguyên nhân gây bệnh đứng hàng đầu là sỏi mật, rượu bia và thường khởi phát sau khi ăn một bữa ăn thịnh soạn nhiều chất béo.

Triệu chứng của bệnh là đau bụng vùng trên rốn và có thể được chẩn đoán viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, thường bệnh gây đau bụng nhiều, đau lan ra sau lưng, đau liên tục kèm nôn ói và sau khi ói vẫn đau bụng nhiều, không giảm với các thuốc điều trị đau dạ dày.

Khi đau bụng nhiều, người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám và cho xét nghiệm máu, siêu âm bụng nhằm chẩn đoán đúng bệnh, kịp thời tránh các biến chứng.

* Phòng tránh:

+ Ăn uống điều độ, ăn vừa phải, không nên ăn quá nhiều quá no.

+ Không nên uống rượu bia, hạn chế thức ăn nhiều béo đối với những người béo mập, người có tiền sử sỏi mật.

Theo BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm