Tìm hiểu thực tế của Pháp luật TP. HCM tại khoa truyền nhiễm, BV Nhi trung ương, một trong những khoa luôn trong tình trạng quá tải trước đây, tình trạng nằm ghép đã không còn, mỗi bệnh nhân được bố trí một giường bệnh. Hiện tại khoa đang có 95 giường bệnh, ngoài ra luôn dự phòng thêm 15 giường bệnh để kê thêm khi bệnh nhân đông. Tại khoa hô hấp, khoa tim mạch cũng không còn bệnh nhân nằm ghép.
Mỗi bệnh nhi được bố trí một giường bệnh, không còn tình trạng nằm ghép 2-3 như trước. Ảnh: THÙY LINH
Trước năm 2014, đặc biệt là đầu năm 2014 bị dịch sởi tấn công, tỉ lệ nằm ghép rất nhiều, có giường bệnh 3-4 cháu/giường, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là thảm kịch là bài học đau xót của ngành y tế.
Ông Hải cho biết BV Nhi Trung ương đã đưa ra nhiều giải pháp, BV sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu khám bệnh, tăng gấp đôi phòng khám tiếp nhận bệnh nhân lên 60 phòng. Điều động các bác sĩ có kinh nghiệm trong khu vực nội trú ra khám, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, xét nghiệm, mỗi bác sĩ khám tối đa 60 bệnh nhân/ngày, nên có thời gian khám và tư vấn kỹ càng hơn, bệnh nhân được chẩn đoán tốt hơn.
“Những trường hợp nặng thì được nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ sẽ được cho điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến dưới. Chúng tôi cũng bố trí một khu lưu trú trong ngày để theo dõi những bệnh nhân trong 4-5 tiếng để chờ kết quả xét nghiệm. Khi nắm rõ tình hình bệnh bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc điều trị ngoại trú để giảm tải BV” – ông Hải nói.
Theo ông Hải, BV giao trách nhiệm trưởng, phó khoa đánh giá rõ ràng từ xét nghiệm đến khám bệnh để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu để nhanh chóng điều trị khỏi sớm, ra viện sớm. Ngoài ra, BV cũng liên kết với các BV dân lập để "giải tỏa " tình trạng quá tải. Xây dựng BV vệ tinh để tiếp nhận bệnh nhi ngay ở địa phương, cơ sở.
“Hoàn toàn không có chuyện vì cam kết mà phải đẩy bệnh nhân đáng lẽ được điều trị nội trú mà đẩy ra điều trị ngoại trú” – ông Hải cam kết.
Hiện BHXH cũng không đồng ý việc nằm ghép, vì nằm ghép đôi BHXH chỉ thanh toán 50% cho mỗi bệnh nhân, nằm ghép ba thì mỗi bệnh nhân được thanh toán 30%.
Trả lời câu hỏi biện pháp lâu dài để khắc phục nằm ghép, ông Hải cho biết cần phải đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực. Tháng 6-2015 dự kiến tòa nhà 16 tầng sẽ đưa vào sử dụng, nhưng về lâu dài thì cần xây dựng cơ sở hai.
Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định việc không còn nằm ghép sẽ tránh tình trạng lây chéo bệnh trong BV, ngoài ra đảm bảo quyền riêng tư cho người bệnh. “Ký cam kết nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh, chứ không thể vì cam kết mà bệnh nhân nặng đang điều trị mà lại đẩy bệnh nhân ra ngoài. Khi BV đã ký cam kết cần phải nỗ lực hết sức để tạo được niềm tin trong nhân dân” – ông Khoa nói.
Tính đến hôm nay, đã có 14 BV ký cam không nằm ghép (thêm BV Thống Nhất, TP.HCM).
Được biết, hiện tại BV Nhi, mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân đến khám. Hiện tại BV có 1.200-1.300 bệnh nhi nội trú (trong khi số giường bệnh thực kê của BV là 1.480 giường). |