Bệnh viện quận, huyện nên có ngành phục hồi chức năng

(PLO)- Thân nhân và người bệnh đột quỵ ở TP.HCM cũng như các vùng lân cận mong BV huyện Bình Chánh, TP.HCM sớm có đơn vị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Cách đây bốn năm, mẹ tôi đang ngồi xem truyền hình bỗng chóng mặt, yếu cơ bên trái, nói ngọng, lưỡi tê cứng… Tôi liền gọi gấp đến Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM để mẹ được hỗ trợ can thiệp sớm nhất có thể” - chị Nguyễn Thị Mai Hương (32 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể lại.

Mong có trung tâm trị liệu gần nhà

Thăm khám xong, nhân viên cấp cứu nói mẹ chị Hương bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ rồi chuyển tới BV Nhân dân 115, TP.HCM. Nhờ được đưa tới BV kịp thời nên mẹ chị sớm qua cơn nguy kịch. Tuy vậy di chứng tổn thương hệ thần kinh khiến bà sa sút trí tuệ, chân tay rất yếu.

Sau khi BV Nhân dân 115 điều trị ổn định, mẹ chị Hương được chuyển qua BV Phục hồi chức năng (PHCN) và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM (BV PHCN TP.HCM) ở quận 8 tập vật lý trị liệu. “Do người bệnh đông nên mỗi ngày mẹ tôi chỉ được nhân viên y tế của BV tập vật lý trị liệu gần 2 tiếng. Trong khi bác sĩ nói nếu được tập lâu hơn khả năng phục hồi của bà sẽ nhanh hơn” - chị Hương nói.

Để phụ trợ một phần cho nhân viên y tế, BV hướng dẫn người nhà một số kỹ thuật vật lý trị liệu tập cho bệnh nhân. Nhờ đó, chị Hương có thể tập vật lý trị liệu cho mẹ bất cứ lúc nào, sức khỏe mẹ chị được cải thiện khá nhiều.

w-P13_23-10_phuc hoi chuc nang.jpg
Bệnh nhân đột quỵ đang được tập vật lý trị liệu để sớm phục hồi chức năng. Ảnh: BVCC

“Ngặt nỗi tôi còn có hai con nhỏ nên không thể túc trực bên mẹ thường xuyên. Do vậy, những lúc rảnh rỗi tôi chạy xe từ Bình Chánh lên tuốt quận 8 để tập cho mẹ. Nếu BV huyện Bình Chánh có chuyên ngành PHCN cho người đột quỵ, tôi sẽ xin chuyển mẹ về để có nhiều thời gian chăm sóc hơn” - chị Hương chia sẻ.

Vợ anh Trần Minh Dũng (38 tuổi, huyện Cần Giuộc, Long An) bị đột quỵ do xuất huyết não cách đây hơn ba năm. Sau thời gian điều trị tại BV Chợ Rẫy, sức khỏe chị dù tương đối ổn nhưng chức năng vận động bị ảnh hưởng nhiều.

Cuối năm 2023 sẽ ra mắt đơn vị đột quỵ

Đơn vị PHCN thuộc khoa Y học cổ truyền của BV huyện Bình Chánh thành lập gần hai năm nay. BV cũng đã cử hai bác sĩ và hai điều dưỡng dự tập huấn kiến thức tại khoa Bệnh lý mạch máu não của BV Nhân dân 115. Hiện BV đang tiến hành xin phép Sở Y tế TP.HCM thành lập đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Nội, khả năng cuối năm 2023 sẽ ra mắt.

ThS-BS VÕ NGỌC CƯỜNG, Giám đốc BV huyện Bình Chánh, TP.HCM

“Vợ tôi được chuyển tới BV PHCN TP.HCM. Tại đây, tôi được BV hướng dẫn một số kỹ thuật để tập cho vợ. Do còn con cái, nhà cửa… tôi chỉ có thể tranh thủ tập cho vợ khi sắp xếp được” - anh Dũng tâm sự.

“Nhà tôi cách BV huyện Bình Chánh không xa. Nếu BV tổ chức được tập vật lý trị liệu để PHCN bệnh nhân đột quỵ thì thuận tiện cho tôi và nhiều người lắm” - anh Dũng mong.

BV huyện Bình Chánh phát triển PHCN

Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật do BV huyện Bình Chánh tổ chức mới đây, BS Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Trưởng khoa PHCN (BV Chợ Rẫy), đã trình bày đề tài nghiên cứu Gợi ý hướng phát triển PHCN đột quỵ tại BV huyện Bình Chánh.

Theo BS Khoa, diện tích các khoa, phòng tại BV huyện Bình Chánh rộng, thoáng. BV lại có hầm để xe nên phù hợp phát triển thành một trung tâm PHCN cho bệnh nhân đột quỵ.

“Hướng phát triển là thành lập đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Nội thần kinh, đầu tư cả về nhân lực và trang thiết bị, liên tục cập nhật kiến thức về PHCN. Điều này giúp bệnh nhân đột quỵ tiếp cận sớm với PHCN, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn” - BS Khoa nhấn mạnh.

Còn theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV PHCN TP.HCM, hiện bệnh nhân đột quỵ sau khi điều trị ổn định giai đoạn cấp tại BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115 sẽ được chuyển về đây để vừa tiếp tục điều trị bệnh nền, vừa tập vật lý trị liệu PHCN.

Để bệnh nhân mau phục hồi, BV áp dụng nhiều liệu pháp y học cổ truyền. Nếu bệnh nhân có con nhỏ, người nhà sẽ thu đoạn ghi âm ngắn “ba/mẹ khỏe chưa, con nhớ ba/mẹ lắm”; hoặc ghi lại clip gia đình họp mặt, đi chơi rồi cho bệnh nhân nghe hoặc xem. Mục đích khơi gợi lại ý ức, tiềm thức giúp họ sớm phục hồi trí nhớ.

“BV cũng tổ chức nhiều buổi hướng dẫn người nhà các kỹ thuật vật lý trị liệu để tập cho bệnh nhân. Nếu BV tuyến quận, huyện thành lập chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân đột quỵ, họ sẽ được tập luyện thường xuyên và mau PHCN hơn” - BS Hoàng cho biết.

Cũng theo BS Hoàng, bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng nên nguy cơ quá tải tại BV PHCN TP.HCM là không tránh khỏi. Đó là chưa kể rất nhiều thân nhân người bệnh ở quá xa nên không thể tập vật lý trị liệu liên tục cho người thân.

Góp phần phát triển ngành y tế TP.HCM

BV huyện Bình Chánh vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM trong đào tạo, tổ chức nhân sự, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trên tinh thần đó, trường đang lên kế hoạch triển khai hỗ trợ BV huyện Bình Chánh phát triển chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân đột quỵ. Việc này góp phần phát triển ngành y tế TP.HCM và phục vụ tốt nhất nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân.

PGS-TS-BS NGUYỄN THANH HIỆP,
Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm