Thanh niên tí hon cao 70 cm mở doanh nghiệp

(PLO)- Nam thanh niên tí hon chỉ cao 70 cm và cân nặng 18kg, nhưng chưa bao giờ dập tắt ngọn lửa của ý chí, thành lập doanh nghiệp của riêng mình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Lê Thị Thỉ (81 tuổi, ngụ thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành trụ sở hoạt động của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thuận Tùng (Công ty Thuận Tùng).

Doanh nghiệp này do anh Nguyễn Thuận Tùng (29 tuổi, con trai bà Thỉ) làm giám đốc.

 Lê Thuận Tùng
Nguyễn Thuận Tùng có nghị lực phi thường. Ảnh: TT

Công ty Thuận Tùng vừa chính thức đi vào hoạt động được một tháng nay. Điều này đã ghi nhận tinh thần vượt lên chính mình không biết mệt mỏi chàng thanh niên bé nhỏ này.

Tùng kể, lúc mới 16 tuổi, anh xin làm cộng tác viên cho Chi nhánh Viettel huyện Cư Kuin. Công việc hàng ngày là bán sim và thẻ cào điện thoại.

“Những ngày đầu mới vào nghề, thu nhập chỉ vỏn vẹn 500 nghìn đồng/tháng. Có những lúc tôi buồn chán, tính bỏ cuộc. Do luôn được người nhà động viên, là niềm tin để tôi quyết tâm thực hiện ước mơ của mình”, anh Tùng kể.

Bước sang tuổi 23, Tùng được làm nhân viên tại Chi nhánh Viettel huyện Cư Kuin. Nhiệm vụ được giao nhiều hơn trước. Cụ thể, ngoài việc bán thẻ cào, sim điện thoại, Tùng còn đi thu hộ tiền điện, dịch vụ chuyển tiền, rút tiền qua tài khoản ATM do Viettel cung cấp.

Lê Thuận Tùng
Công việc mỗi ngày của Tùng. Ảnh: TT

Để tăng thêm thu nhập, Tùng còn nhận làm các dịch vụ in ấn, in thiệp cưới, thiệp tân gia...

Chưa hết, Tùng còn đăng ký tài khoản trên các kênh bán hàng như Facebook, Shopee để bán các mặt hàng như điện thoại cảm ứng, camera... Những mặt hàng này đều được Tùng nhập hàng chính hãng từ những cơ sở có uy tín.

Công việc hàng ngày đều được Tùng thực hiện trên máy tính, điện thoại và di chuyển trên chiếc xe lăn.

Nhờ cần cù, Tùng đã tự tạo ra cho mình với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, từ năm 2019-2022, Tùng đã liên tiếp nhận được nhiều giấy khen và được tôn vinh là một trong những điểm bán hàng xuất sắc của Viettel Đắk Lắk.

Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, trong tháng 9-2023, Tùng đã thành lập Công ty Thuận Tùng do Tùng làm giám đốc. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp sim số Vietel, thẻ cào, chuyển tiền, rút tiền từ thẻ ATM...

“Tôi luôn được người thân hết lòng quan tâm, động viên. Nhất là người mẹ và chị dâu đã hy sinh nhiều thứ để chăm sóc tôi từ miếng cơm, giấc ngủ”, anh Tùng chia sẻ.

Ông Phạm Thanh Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu cho biết, gia đình Tùng có công với cách mạng và có ba người bị nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin.

Bản thân là một nạn nhân chất độc da cam, khi sinh ra đã bị tật nguyền, tay chân teo tóp, không thể đi lại, vận động được nên từ nhỏ Tùng không được học hành gì.

“Tùng là một tấm gương có ý chí, nghị lực, tinh thần tự học rất lớn, từng bước vươn lên. Từ một nhân viên của Vietel đến nay Tùng đã trở thành giám đốc của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi những người trưởng thành cũng khó mà đạt được.

Với những nỗ lực ấy, Tùng không những không để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn có nhiều đóng góp về mặt kinh tế cho gia đình”, ông Hoằng cho hay.

Bà Lê Thị Thỉ tâm sự, gia đình bà có sáu người con (một người đã mất), trong đó Tùng là con út. Lúc sinh ra, hình hài Tùng chẳng giống ai. Cả hai tay và hai chân đều bị co quắp và không có cách nào duỗi thẳng ra được. Hiện Tùng chỉ cao 70 cm, nặng 18 kg.

Bà Thỉ kể: vợ chồng bà sinh ra ở vùng khói lửa Quảng Trị. Riêng chồng tham gia dân quân du kích tại chiến trường Quảng Trị.

Sau này vào Đắk Lắk, vợ chồng bà Thỉ đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả thể hiện, bà Thỉ bị nhiễm chất độc hóa học với tỉ lệ 61%, còn chồng bị nhiễm chất độc hóa học 65%.

“Đó là cơ sở để xác định, Tùng bị dị tật là do di chứng của chất độc da cam để lại”, bà Lê Thị Thỉ cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm