Như PLO đưa tin, tại kết luận mới ban hành, ngoài chỉ ra các vi phạm về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế trong hai năm 2020-2021, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra sai phạm tại một số đơn vị trực thuộc bộ này.
Bệnh viện Trung ương Cần Thơ là cơ sở khám chữa bệnh lớn ở khu vực Tây Nam bộ, do Bộ Y tế trực tiếp quản lý. Ảnh: bvtwct.vn |
Dấu hiệu bất thường ở BV Trung ương Cần Thơ
Cụ thể, cơ quan thanh tra kết luận quá trình Bệnh viện (BV) Trung ương Cần Thơ thực hiện mua sắm thiết bị y tế theo Quyết định số 1301/QĐ-BYT ngày 22-3-2020 của Bộ Y tế có một số dấu hiệu bất thường.
Trong 18 gói thầu được thực hiện theo quyết định này có 2 gói thầu là gói 07 mua hệ thống ECMO, giá trị gần 3,5 tỉ đồng và gói 18 mua 02 máy điện tim giá trị 125,9 triệu đồng đã xuất hiện vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng về kết quả thanh tra về các dấu hiệu này, Bộ Y tế và BV Trung ương Cần Thơ có văn bản báo cáo giải trình, bổ sung thông tin đối với gói thầu số 07.
Theo đó, do nhà thầu không nhập khẩu được phụ kiện theo đúng xuất xứ như hợp đồng đã ký, BV Trung ương Cần Thơ đã yêu cầu và nhà thầu đã khắc phục nhận lại máy, hoàn trả toàn bộ số tiền được thanh toán theo họp đồng. BV sau đó đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền gần 3,5 tỉ đồng này.
Ở một số gói thầu khác, giải trình của đối tượng thanh tra còn cho hay các nhà thầu đã đề nghị và đã nộp ngân sách phần lợi nhuận mà họ thu được từ các gói thầu, với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ở gói thầu số 18, nhà thầu đã nộp ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí 125,9 triệu đồng.
Sai sót, vi phạm tại một số đơn vị thuộc Bộ Y tế
Ngoài các sai phạm tại gói thầu ở BV Trung ương Cần Thơ, kết luận thanh tra còn mổ xẻ một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, sử dụng vaccine trong đại dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế đã quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng phòng COVID-19 của Công ty CP vaccine Việt Nam (VNVC).
Điều này dẫn đến VNVC giữ lại hơn 73.000 liều để tiêm chủng ngoài kế hoạch được phê duyệt, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế để đảm bảo mục đích tiêm phi thương mại theo yêu cầu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đồng ý cho VNVC được giữ lại hơn 73.000 liều vaccine và tiếp nhận, phân bổ trên một triệu liều cho các tỉnh, thành phố. Nội dung này cũng chưa phù hợp với chỉ đạo.
Việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng cho phép VNVC được giữ lại gần 30.000 liều vaccine để tiêm chủng được xác định là trái với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không đúng với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, không đúng quy định tại khoản 3, Điều 65 Luật Đấu thầu.
Tại 2 gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đoàn thanh tra cho rằng đã có một số sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu.
Việc mua sắm sinh phẩm, kít xét nghiệm tại BV Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ cũng được nêu trong kết luận thanh tra là có xảy ra sự lãng phí nguồn vốn mua sắm, với số tiền trên 2,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại một số BV, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế, gồm BV Đại học Y, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TP.HCM, BV Trung ương Cần Thơ, Viện Pasteur TP.HCM khi nhận hàng hóa đều không có đầy đủ tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.
Cũng theo cơ quan thanh tra, 7/13 viện, BV thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng dùng nghiên cứu khoa học, dùng trong phòng thí nghiệm cho hoạt động y tế là trái với mục đích sử dụng hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ chủ quản.
Những kiến nghị lên Thủ tướng
Từ kết quả cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra.
Trong đó, cần rà soát, làm rõ số lượng hơn 73.000 liều vaccine VNVC đã giữ lại; kiểm tra việc tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người của VNVC liệu có đảm bảo miễn phí theo quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với BV Trung ương Cần Thơ, Bộ Y tế cần kiểm tra, chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với báo cáo của đơn vị. Trường hợp có vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định; chỉ đạo xử lý hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến gói thầu có sai phạm.
Bộ Y tế cần xử lý các vi phạm về thủ tục, hồ sơ dự thầu, lập dự toán, nghiệm thu 2 gói thầu TB03, TB04 mà Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là chủ dự án.
Về xử lý hành chính, Bộ Y tế cần kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Bộ về những vi phạm đã nêu tại kết luận thanh tra.