Bệnh viện tự chủ “đau đầu” vì máy mượn, giá thuốc trúng thầu

(PLO)- Quy định không được dùng máy mượn, máy đặt trong bệnh viện; giá thuốc trúng thầu, trang thiết bị y tế không được cập nhật kịp thời theo giá thị trường khiến các bệnh viện tự chủ “đau đầu”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp tục chương trình khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế giai đoạn từ ngày 1-1-2020 đến tháng 6-2022 tại BV Chợ Rẫy và BV quận 11.

Người dân khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Người dân khám chữa bệnh tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Máy mượn, máy đặt giúp giảm tải xét nghiệm

Tại các buổi làm việc, nhiều bác sĩ băn khoăn khi quy định không được dùng máy mượn, máy đặt trong BV khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

BS Trần Thành Vinh, Trưởng Khoa sinh hóa BV Chợ Rẫy, cho biết hiện BV đang gặp tình trạng thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị mượn, đặt nên dẫn đến không đủ xét nghiệm để trả cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến việc khám và điều trị, vô hình trung tạo gánh nặng rất lớn cho lĩnh vực xét nghiệm. Trong khi đó, hình thức như cho thuê chưa có hướng dẫn, mua thì không có tiền, cho tặng thì các nhà cung cấp lớn chưa có chủ trương và BV phải cân nhắc khi tiếp nhận. Nếu máy được cho tặng, BV phải chịu trách nhiệm các khoản sửa chữa và phải đấu thầu sửa máy. “Hình thức máy mượn, máy đặt là hợp lý nhất, giúp cho lĩnh vực xét nghiệm rất nhiều” - BS Vinh nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng tài chính kế toán BV Chợ Rẫy, cho rằng cơ cấu giá viện phí không tính khấu hao, BV tự chủ từ năm 2009 đến nay, các đời máy đều đã cũ, không có tiền mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt. Trong giai đoạn này chưa cơ cấu vào giá thì không đặt máy mượn, BV có nguy cơ đóng cửa.

Tương tự, BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, cho biết chi phí mua máy, thuê máy xét nghiệm tốn kém hơn hình thức công ty giao máy cho BV sử dụng sau khi đấu trúng thầu hóa chất. Đối với máy xét nghiệm BV mua sau thời gian bảo hành phải tốn nhiều chi phí để đảm bảo máy vận hành hiệu quả. Cạnh đó, mỗi lần thay đổi máy xét ngiệm, BV phải mất chi phí kết nối hai chiều như mời công ty trúng đấu thầu máy hoặc Công ty Phần mềm HIS kết nối, truyền tải dữ liệu liên thông với bệnh án của bệnh nhân cũng làm gia tăng chi phí của BV.

Hiện nay tất cả mặt hàng trên thị trường đều theo xu hướng tăng giá hằng năm, chỉ có mặt hàng thuốc thì lại phải có giá trúng thầu năm sau thấp hơn năm trước.

Xác định giá thuốc trúng thầu chưa hợp lý

Một vấn đề được các BV quan tâm là giá thuốc trúng thầu hiện được xây dựng chưa hợp lý. BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, cho biết hiện nay tất cả mặt hàng trên thị trường đều theo xu hướng tăng giá hằng năm. Chỉ có mặt hàng thuốc thì lại có giá trúng thầu năm sau thấp hơn năm trước do quy định giá kế hoạch của từng mặt hàng thuốc được xác định dựa vào giá thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế trong vòng 12 tháng được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Do đó, với tình hình chi phí chung của xã hội tăng cao, giá nguyên liệu thuốc tăng dẫn đến giá thành tăng, nhiều nhà thầu không thể tham gia được vì nếu bán đúng giá kế hoạch sẽ không có lợi nhuận hoặc lỗ. Bên cạnh đó, thuốc trúng thầu có thể đáp ứng điều kiện về giá nhưng giá thấp sẽ dẫn đến dấu hỏi về chất lượng thuốc, nguy cơ ảnh hưởng chất lượng điều trị và uy tín của BV.

Bổ sung thêm, dược sĩ CK2 Trương Minh Quang, Trưởng Khoa dược BV quận 11, cho rằng hiện tại có rất nhiều văn bản hướng dẫn việc đấu thầu thuốc, phân cấp nhiều tầng đấu thầu thuốc từ trung ương đến địa phương dẫn đến việc lựa chọn thuốc mất nhiều thời gian. Thực tế, thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và địa phương chiếm khoảng 20% danh mục thuốc của BV, 80% danh mục thuốc còn lại thì BV tự tổ chức đấu thầu mua sắm. Tuy nhiên, mỗi đợt BV đấu thầu thì có khoảng 20% bị rớt thầu vì nhiều lý do (liên quan đến giá kế hoạch, khả năng cung ứng của nhà thầu...). Dược sĩ Quang mong muốn Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng mức giá trần cho từng hoạt chất được bảo hiểm y tế thanh toán để các BV căn cứ vào đó để mua sắm cho thuận lợi mà không cần phải thông qua đấu thầu.

Nói về việc xây dựng giá thuốc cũng như các trang thiết bị y tế, TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa dược BV Chợ Rẫy, cho rằng có thực tế trong các quy định, chưa có quy định cập nhật theo giá thị trường.

“Trong quá trình xây dựng giá, chúng tôi thấy chưa có một cơ sở nào đưa chỉ số CPI vào để theo kịp thị trường. Tất cả mặt hàng đều liên quan đến nhựa TPC bị biến động bởi giá dầu thế giới. Vì thế mua sắm mỗi năm gặp nhiều khó khăn. Cứ báo giá hôm nay, làm xong kế hoạch, hai tháng sau đơn vị báo giá không dự thầu nữa vì giá đã cũ” - TS Bình nêu.

ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng tài chính kế toán BV Chợ Rẫy, bổ sung trong cơ cấu giá như điện, nước, thuốc hiện nay thanh toán bằng đúng giá mua, thiếu hẳn phần quản lý chi phí hao hụt. Có những loại thuốc cấp cứu bắt buộc BV phải có nhưng nếu không có bệnh nhân cấp cứu thì phải hủy thuốc, BV phải chịu hoàn toàn.•

Thuốc và vật tư y tế cần có cơ chế đặc biệt

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, đoàn đã tiếp nhận nhiều thông tin liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ ở các BV công trên địa bàn TP. Đồng thời, hiện nay Quốc hội đang chuẩn bị lấy ý kiến góp ý cho hai luật: Luật Đấu thầu và Luật Giá. Đoàn sẽ kiến nghị để sửa đổi các quy định của pháp luật, hy vọng sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc mà các BV đang gặp phải, phần nào giúp các đơn vị BV công hoạt động tốt hơn.

“Thuốc và vật tư y tế là những hàng hóa đặc biệt nên cần có các quy định chặt chẽ, những cơ chế đặc biệt để BV có được các sản phẩm tốt nhất cho việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân” - bà Tuyết nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm