Bệnh “vùng hậu”

 ThS-BS Trần Anh Trứ - Khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện An Sinh cho biết, chảy máu hậu môn có nhiều nguyên nhân, ngoài trĩ thì đó còn có thể là polyp đại trực tràng, viêm ống hậu môn, nứt hậu môn, viêm loét đại trực tràng chảy máu..

Nứt hậu môn

Nứt hậu môn là một vết rách nhỏ nằm ở ống và rìa hậu môn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra khi táo bón và rặn khi đi tiêu. Tuổi mắc bệnh nhiều là 30-50, bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ từ 6-24 tháng. Ngoài ra, ở người cao tuổi, do máu tuần hoàn đến vùng trực tràng giảm ở phụ nữ sinh đẻ, người bị bệnh crohn, tiêu chảy mạn tính… cũng có thể bị viêm nứt hậu môn. Dấu hiệu của bệnh là đau và nóng rát khi đi tiêu, sau đó dễ chịu dần dần cho đến lần đi tiêu kế tiếp, máu đỏ tươi khi đi tiêu nhưng ít, ngứa quanh hậu môn. Có thể chảy ít dịch ở hậu môn

Theo ThS-BS Trần Anh Trứ, đây là một bệnh lành tính, ít gây biến chứng, nếu kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, không để tình trạng táo bón kéo dài thì bệnh sẽ tự lành trong năm-bảy ngày. Trong điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ cho uống thuốc làm mềm phân, chống táo bón hay thuốc trị tiêu chảy, thuốc thoa tê tại chỗ hoặc khuyên bệnh nhân ngâm hậu môn với nước ấm để giúp dãn cơ thắt. Nếu vết nứt tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương liên tục vùng mô, xâm nhập đến cơ vòng hậu môn trong, làm vết nứt càng rộng và khó lành. Vết nứt có thể mưng mủ dẫn đến áp xe quanh hậu môn, áp xe hố ngồi trực tràng, áp xe liên cơ thắt, cơ nâng hậu môn... Lúc này cần phải phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ vòng hậu môn để giảm co thắt, cắt bỏ mô xơ vết nứt.

Để phòng bệnh, cần bổ sung thêm chất xơ, uống đủ từ hai-ba lít nước/ngày, luyện tập thể thao thường xuyên. Với những người bị táo bón kinh niên, có thể uống thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng. Khi đi tiêu, nên thả lỏng từ từ, tránh rặn vì có thể làm rách vết nứt cũ.

 Polyp đại - trực tràng

Đại tràng là phần ruột cuối cùng của ống tiêu hóa, còn gọi là ruột già. Polyp là những u nhỏ, có hình elip, hình tròn, kích thước như hạt đậu hoặc lớn hơn, có cuống dài hoặc không cuống bám vào thành đại tràng. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào nhưng người trên 50 tuổi, từng cắt bỏ polyp đại - trực tràng, gia đình có tiền sử bị polyp hay ung thư đại - trực tràng, người mắc ung thư buồng trứng hoặc tử cung, bướu thịt, ung thư ruột kết… có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc, uống rượu, ít vận động, người quá mập, ăn nhiều chất béo…

Polyp thường tiến triển thầm lặng không có biểu hiện. Một số ít có cảm giác mót và chảy máu khi đi tiêu. Chính vì vậy, đa số bệnh nhân thường đến khám khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn.

Bệnh biến thành ác tính hay không tùy thuộc vào kích thước polyp. Nếu kích thước vài milimet thì ít nguy cơ thành ác tính, còn kích thước từ 1-2cm, nguy cơ ung thư từ 10-20%, trên 2cm nguy cơ ung thư từ 30-50%. Thời gian để khối u bình thường biến thành ác tính khoảng 10 năm. Có thể có một polyp hoặc nhiều polyp. Polyp càng nhiều thì khả năng trở thành ung thư càng cao. Trường hợp đa polyp di chuyển thì khả năng trở thành ung thư 100%.

ThS-BS Trần Anh Trứ cho biết, mẫu polyp cắt bỏ sẽ được đem sinh thiết, nếu lành tính thì coi như đã điều trị xong và bệnh nhân cần đi tái khám định kỳ theo chỉ định bác sĩ. Trường hợp polyp có nghịch sản tế bào nhưng chưa có tế bào ung thư thì cần theo dõi sát hơn và nên nội soi đại tràng định kỳ. Khi bị ác tính, sẹo cắt polyp không còn tế bào ung thư thì bệnh nhân cần nội soi kiểm tra định kỳ, ngược lại còn tế bào ung thư thì phải cắt bỏ đoạn đại tràng có polyp. Riêng bệnh đa polyp đại - trực tràng có tính chất gia đình thì cần cắt bỏ toàn bộ phần đại tràng. Cách tốt nhất để phát hiện bệnh là nội soi đại tràng ngay cả khi không có triệu chứng.

 Viêm loét đại - trực tràng chảy máu

Viêm loét đại - trực tràng chảy máu là bệnh mạn tính. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng có liên quan đến quá trình đáp ứng miễn dịch. Biểu hiện nổi bật của bệnh là đau bụng, tiêu chảy phân có máu, sốt, sụt cân. Mỗi giai đoạn có biểu hiện khác nhau. Lúc đầu bệnh nhân bị đau quặn bụng, đại tiện ra máu nhầy, kéo dài liên tục từ ba-năm ngày. Tiếp đó, số lần đại tiện phân máu xảy ra nhiều hơn từ ba-năm lần/ngày, thường xảy ra vào ban đêm, kèm sốt, mệt mỏi. Ở giai đoạn nặng, số lần đại tiện phân máu vào ban đêm nhiều hơn năm lần/ngày, đôi khi chỉ toàn máu nhầy và không có phân, đau rát, buốt hậu môn, bụng trướng, sốt cao, sụt cân nhanh.

Đây là bệnh dễ nhầm lẫn với lỵ nên đa số bệnh nhân tự tìm thuốc Đông y chữa trị. Chỉ khi không khỏi và có biến chứng nặng mới tìm đến bác sĩ. “Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xuất huyết nhiều, hẹp đại tràng, phình hoặc dãn đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng, ung thư. Tuy hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng điều trị kịp thời sẽ giúp đẩy lùi bệnh, không gây ra những biến chứng trầm trọng” - ThS-BS Trần Anh Trứ cho biết.

 Bệnh lây truyền qua đường sinh dục

Tổn thương vùng hậu môn trực tràng còn có thể do những bệnh lây truyền qua đường sinh dục. Đó là thương tổn do vi khuẩn: giang mai, bệnh lậu, bệnh hột xoài... Thương tổn khác do siêu vi gồm: sùi mào gà (Condylom), viêm trực tràng Herpes... Nguyên nhân do giao hợp qua ngả hậu môn hoặc do sự tiếp xúc giữa miệng và hậu môn. Yếu tố gây bệnh thâm nhập trực tiếp vào niêm mạc trực tràng, gây những tổn thương tại chỗ rồi lan rộng ra vùng hậu môn trực tràng hoặc có thể lan khắp cơ thể.

- Bệnh lậu: triệu chứng thường kín đáo, bệnh nhân chỉ thấy khó chịu ở hậu môn, mót rặn, chảy dịch hậu môn hay chảy máu trực tràng. Triệu chứng rõ rệt hơn là chảy mủ hoặc mủ bám bề mặt phân. Xung quanh hậu môn có vết nứt nhỏ, tình trạng viêm nhiễm lan tỏa như dạng viêm đỏ hậu môn trong bệnh trĩ nên bệnh này dễ bị chẩn đoán nhầm với trĩ nội.

- Hột xoài: có những trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng gì, một số có thể rất nhẹ với các triệu chứng giống như viêm trực tràng. Nặng hơn thì bị áp xe và rò hậu môn, phá hủy các cơ vùng hậu môn.

- Viêm trực tràng herpes: triệu chứng rất rầm rộ như đau rát khi đại tiện, mót rặn, chảy máu, sốt cao; xuất hiện những nốt phồng hoặc loét nông hình tròn, có xuất huyết lan tỏa ở phần thấp của trực tràng…

Theo ThS-BS Trần Anh Trứ, để tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường sinh dục trên, cần thực hiện hành vi quan hệ tình dục có trách nhiệm, người nghi ngờ mắc bệnh nên cùng bạn tình đến ngay những tuyến y tế cơ sở để thăm khám…

Theo Thanh Hoa (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới