BHXH một lần: Người lao động được rút một phần, nhưng không khuyến khích

(PLO)- Về BHXH một lần, nhiều ĐBQH ủng hộ phương án người lao động có thể rút một phần, nhưng không khuyến khích, phần còn lại để trả lương hưu, trợ cấp cho họ khi về già...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi) chiều nay 2-11, nhiều ĐBQH đã cho ý kiến về nội dung BHXH một lần, vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.

Rút BHXH là việc cực chẳng đã

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn số liệu đáng phải suy nghĩ khi chỉ riêng năm 2022 có gần 1 triệu người phải giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. “Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch COVID gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm và họ phải dựa vào việc rút tiền đóng BHXH để vượt qua cơn khẩn cấp, khó khăn” - ĐB Hà nói.

Theo ĐB Hà, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống BHXH sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già. Theo đó, ĐB Hà ủng hộ phải có giải pháp để “người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu”.

tran-thi-nhi-ha1.jpg
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

“Tôi kiến nghị mức rút BHXH tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để họ chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ. Còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này cho người lao động” - ĐB Hà nói.

Cùng nội dung, ĐBQH Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank cho hay qua khảo sát nhanh của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4-2023, cho thấy người rút BHXH một lần để chi tiêu cho sinh hoạt chiếm 42%, trả nợ chiếm 47%…

“Điều này cho thấy họ sử dụng tiền này để giải quyết áp lực cuộc sống trước mắt, trong thời gian ngắn và không phải để giải quyết việc căn cơ” - ông Ấn nói.

Theo đó ĐB Ấn đề nghị nên quy định theo hướng những người đóng bảo hiểm, có quyền rút nhưng không khuyến khích và chỉ đáp ứng một phần. Phần do người sử dụng lao động đóng cần được giữ lại để trả lương hưu cho người lao động sau này.

vuong-dinh-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay đây là nội dung mà người lao động quan tâm nhất. Hầu hết các nước trên thế giới có hệ thống an sinh xã hội đảm bảo thì đều không cho rút BHXH một lần, nhưng ở Việt Nam thì khác.

“Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm đoán chuyện này. Nhưng cần thiết kế chính sách thế nào để lưu người ta lại trong hệ thống, hạn chế bớt các trường hợp phải rút BHXH…” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế phương án cho người lao động có thể rút một phần tiền đóng BHXH để họ giải quyết khó khăn trước mắt và có nhiều sự lựa chọn làm sao đảm bảo quyền lợi cho họ sau này.

Đừng gây sốc cho người lao động

Cho ý kiến nội dung này, ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) việc rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội.

Theo ĐB Sơn, các phương án mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.

Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Còn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu băn khoăn cơ sở nào để phương án 2 quy định chỉ cho người lao động rút 50% tổng thời gian đã đóng BHXH. Theo ông, điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.

Ông Phớc cho rằng với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu.

Cụ thể trong cơ cấu đóng quỹ bảo hiểm xã hội là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.

Do vậy, theo ông Phớc, nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại.

“Tính theo cơ sở khoa học là như vậy, có nghĩa cho anh lấy cả ốm đau, tai nạn, thai sản... còn riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì cứ để lại để sau này đóng tiếp và hưởng. Theo tôi 46% là hợp lý còn 50% họ hỏi cơ sở nào thì không giải thích được”, ông Phớc phân tích.

Theo ông Phớc, trong thời gian bao nhiêu năm, nếu người lao động không đóng BHXH thì cho họ rút hay có phương án nào khác. Bởi dự luật hiện nay đang bỏ ngỏ vấn đề này, nói cách khác là có khoảng trống.

"Tức là khi người lao động chỉ rút 46%, để lại 54% hay rút 50% để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để bảo hiểm xã hội chiếm dụng?", ông Phớc đặt vấn đề.

Liên quan đến BHXH một lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102), Uỷ ban Xã hội (cơ quan thẩm tra dự luật) cho hay Chính phủ trình 2 phương án.

Loại ý kiến thứ nhất ủng hộ phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực. Có ý kiến ủng hộ phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Tuy nhiên có loại ý kiến không ủng hộ cả hai phương án trên vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần.

Còn phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%. Đồng thời, đề nghị không nên thiết kế hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để người lao động lựa chọn.

Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để quy định rõ ràng, hoàn thiện hơn về nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm