“Việc người lao động (NLĐ) nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tự rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội…”.
Hiện có nhiều người dân đăng ký tham gia bảo hiểm tự nguyện để về già có lương hưu. Ảnh: V.LONG
BHXH Việt Nam khẳng định như vậy về việc thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc nên đã lựa chọn nhận BHXH một lần.
Thiệt đơn thiệt kép
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ba tháng đầu năm 2021, số người hưởng BHXH một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai những NLĐ này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để chăm sóc sức khỏe về già.
BHXH Việt Nam khuyên người dân không nên nhận BHXH một lần vì bốn lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu lãnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Thứ hai, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Từ đó dẫn đến các hệ lụy thiệt thòi khác cho NLĐ như:
- Không được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người. Trong khi đó, người được hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian được hưởng lương hưu.
- Thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời.
Thứ ba, nếu NLĐ gặp khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) thì hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may NLĐ qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất...
Ngược lại, khi NLĐ đã nhận BHXH một lần, nếu lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến khi đủ tuổi nhận lương hưu có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu. Nếu NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu thì mức lương hưu cũng không cao.
Thứ tư, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh tùy theo nhóm đối tượng.
Cảm thấy rất tiếc cho người lao động
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, cho biết rất tiếc nuối khi NLĐ lựa chọn phương án nhận BHXH một lần, thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đã đóng và đợi khi nào có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH, tích lũy để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Khi NLĐ nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất nhiều bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già thì không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.
“Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài. NLĐ có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội” - ông Đỗ Ngọc Thọ phân tích.
Hưởng lương hưu sẽ được lợi hơn BHXH Việt Nam đưa ra một ví dụ đơn cử về trường hợp NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH với mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Giả định NLĐ này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2021 như sau: - Nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được mức lương hưu là 1.880.000 đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 71 năm thì số tháng hưởng lương hưu là 129 tháng. Tổng số tiền người đó được hưởng từ quỹ BHXH là 273.973.400 đồng, trong đó: + Tổng tiền lương hưu nhận được từ khi đủ 60 tuổi ba tháng đến khi chết: 129 x 1.880.000 đồng = 242.520.000 đồng. + Mua thẻ BHYT (4,5%): 10.913.400 đồng. + Trợ cấp mai táng phí khi qua đời: 10 tháng lương cơ sở, tương đương 14.900.000 đồng. + Trợ cấp tuất (giả định tuất một lần thấp nhất bằng ba tháng lương hưu): 5.640.000 đồng. Với lao động nữ, do tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ lớn hơn (55%) và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam nên tổng số tiền mà một lao động nữ trong ví dụ này sẽ được hưởng từ quỹ BHXH là 572.864.000 đồng. Đó là chưa kể có những người đang hưởng lương hưu khi qua đời, nếu có thân nhân đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Trên thực tế đã có những người cha, mẹ, vợ, chồng, con được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng vài chục năm sau khi con, vợ/chồng, cha/mẹ của họ qua đời. - Trong khi đó, giả sử NLĐ ra nước ngoài để định cư hoặc mắc bệnh hiểm nghèo đến tính mạng nếu nhận BHXH một lần, đối với cả nam và nữ đều thực hiện theo cách tính như sau: 4 triệu đồng x (1,5 x 13 + 2 x 7) = 134 triệu đồng. Như vậy, nam giới hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần 139.973.400 đồng; con số tương ứng này ở nữ giới là 438.864.000 đồng. Nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho NLĐ. Người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi. Thực tế đã cho thấy chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. |