Ngày 22-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC). 36 bị cáo bị truy tố về năm tội danh khác nhau.
|
Các bị cáo trong vụ AIC tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo hồ sơ vụ án, để có thể trúng liên tiếp 16 gói thầu, Công ty AIC có sự tiếp tay từ nhiều đơn vị khác nhau, từ tư vấn, thẩm định cho đến chủ đầu tư. Một trong số này là Công ty Mediconsult – đơn vị tư vấn tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Dung, giám đốc Mediconsult, được xác định có quen biết với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, từ khi dự án chưa triển khai. Do vậy, bà Nhàn đứng ra giới thiệu Mediconsult làm tư vấn cho phía bệnh viện.
Quá trình xây dựng hồ sơ, Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc AIC, chỉ đạo cấp dưới làm việc với tổ nhân viên Mediconsult do phó giám đốc Vũ Quang Ngọc điều hành, cùng sự tham gia của nhân viên BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
AIC đã trực tiếp cung cấp danh mục, cấu hình kỹ thuật, giá thiết bị y tế để Mediconsult đưa vào báo cáo điều chỉnh danh mục dự án, sau này đưa vào hồ sơ mời thầu. Hành vi này giúp AIC có được lợi thế ngay từ đầu, bằng việc biết trước các yêu cầu cần thiết để chuẩn bị hồ sơ dự thầu và dễ dàng trúng thầu, khiến mất đi sự công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
|
Một bị cáo đến tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Dung cho hay từng được Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ viết một số đề xuất phát triển dự án nhưng sau đó không trả tiền. Trong một lần đến AIC đòi tiền, bà Dung được bà Nhàn bảo "cứ đi về đi, tôi giới thiệu cho bà một dự án".
Khoảng năm 2013, bà Dung nhận được cuộc gọi của bị cáo Phan Huy Anh Vũ, khi đó là giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Ông Vũ nói bà Nhàn là người giới thiệu Dung cho mình, mời bà Dung và đoàn chuyên gia của Mediconsult vào Đồng Nai đánh giá năng lực và làm tư vấn cho dự án bệnh viện.
Bà Dung khẳng định do bệnh viện đa khoa Đồng Nai là dự án quan trọng, quy mô lớn nhất nhì phía Nam, nên đã chỉ đạo cấp dưới "làm mọi cách hài lòng chủ đầu tư là ưu tiên số 1".
"Bị cáo dặn anh Ngọc (Vũ Quang Ngọc – PV) phải chọn thiết bị xuất phát từ nước G7 và đảm bảo kỹ thuật chuyên môn, dặn Ngọc phải đi từng 44 khoa phòng, vật lộn đủ cách, làm việc trong thời gian rất dài để ra được danh mục thiết bị cụ thể" – bị cáo nói.
Bị cáo này phủ nhận việc thông đồng, tạo điều kiện cho AIC nắm bắt trước cấu hình, thông số kỹ thuật để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Bà nói mình chưa bao giờ gọi cho nhân viên nào của AIC, cũng chưa có người nào của AIC gọi cho bà.
"Bị cáo biết AIC có tham gia vào dự án nhưng bị cáo còn bảo anh Vũ là kệ họ, mình cứ làm chặt chẽ, án tại hồ sơ" - bị cáo nói.
Dù vậy, bị cáo thừa nhận có thiếu sót trong việc thiếu giám sát nhân viên của mình trong quá trình làm việc tại dự án. Một nguyên nhân khác là thời điểm đó bị cáo còn thiếu nhận thức pháp lý, hiểu biết hạn chế.
"Bị cáo chỉ giáo dục nhân viên cố gắng làm hài lòng chủ đầu tư mà không quản lý nhân viên trong quá trình giao tiếp, để nhân viên bị điều khiển quá giới hạn nhiệm vụ của một người tư vấn” – nữ giám đốc khai.
Về phía mình, bị cáo Vũ Quang Ngọc thừa nhận thông số kỹ thuật các thiết bị là do Công ty AIC cung cấp, sau này được sử dụng để xây dựng làm hồ sơ mời thầu…
Đáng chú ý, không chỉ dính dáng đến sai phạm ở Đồng Nai, Mediconsult cũng được xác định có trách nhiệm liên đới tại hàng loạt gói thầu y tế trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ở vụ án này, cũng bởi đã quen nhau từ trước, Hoàng Thị Thúy Nga (lúc này đã rời Công ty AIC để ra lập một loạt pháp nhân mới, trong đó có Công ty NSJ) giới thiệu Mediconsult cho Sở Y tế để lựa chọn làm đơn vị tư vấn.
Quá trình tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, do bà Nga có lời nhờ, Vũ Quang Ngọc chỉ đạo nhân viên Mediconsult thông đồng với Công ty NSJ bằng việc tiết lộ, tiếp nhận và chỉnh sửa hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành. Mục đích nhằm lập hồ sơ theo các tiêu chí có lợi cho NSJ.
Hậu quả, bà Nga và đồng phạm thông đồng với các cán bộ Sở Y tế để giúp công ty của mình trúng bốn gói thầu tại Bệnh viện Tim và Bệnh viện Nhi, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 33 tỉ đồng.