Mối quan hệ thân thiết giữa cựu bí thư Đồng Nai và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC

(PLO)- Cựu bí thư Trần Đình Thành được xác định là điểm khởi đầu cho quá trình xây dựng quan hệ rồi tiến tới “lũng đoạn” đấu thầu tại Đồng Nai của chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Vụ án này, 36 bị cáo bị truy tố về năm tội danh khác nhau. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã) bị xét xử về hai tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. Hai bị cáo Trần Đình Thành (cựu bí thư Đồng Nai) và Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cùng bị truy tố tội nhận hối lộ. Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai) bị truy tố hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Do chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhiều người khác bỏ trốn, HĐXX yêu cầu trình chiếu các tài liệu có trong hồ sơ để làm rõ hành vi phạm tội của nhóm bị cáo này, bao gồm một số bút lục, sơ đồ tự vẽ, biên bản nhận dạng…

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại tòa. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại tòa. Ảnh: TTXVN

“Quan hệ rất thân thiết”

Cáo trạng cho thấy Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo cấp dưới tại AIC sử dụng hàng loạt chiêu trò gian lận để liên tiếp trúng 16 gói thầu tại dự án BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng.

Đặc biệt, để có thể “lũng đoạn” công tác đấu thầu tại Đồng Nai trong suốt thời gian dài, bà Nhàn và Công ty AIC được tiếp tay bởi sự ưu ái của chính các cựu lãnh đạo địa phương, mà điểm khởi đầu là ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy.

Hoàng Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc AIC) khai rằng trước khi tham dự các gói thầu, bị cáo cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp gỡ một số lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, trong đó nhiều lần gặp ông Thành. Tại các cuộc gặp, sau khi kết thúc phần trao đổi về công việc chung của công ty, bà Nhàn sẽ nói mọi người đi ra để mình ở lại gặp riêng lãnh đạo.

“Không biết hai người có mối quan hệ từ bao giờ, chỉ biết là rất thân thiết. Mỗi lần chị Nhàn vào TP.HCM, bị cáo sẽ đi cùng để gặp ông Thành. Còn việc nhờ tạo điều kiện cụ thể ra sao thì bị cáo không rõ” - bà Nga khai.

Khi được hỏi về mối quan hệ với bà Nhàn, ông Thành nói hai bên quen biết từ năm 2003, khi đó bị cáo là phó bí thư, trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Trong một lần ra Hà Nội họp, ông Thành và một số người được đại diện Công ty AIC mời đến trụ sở gặp gỡ.

Sau này, bà Nhàn về Đồng Nai công tác, có tổ chức buổi ăn cơm, mời lãnh đạo một số sở, ngành tham dự. Tại đây, ông Thành giới thiệu bà Nhàn và Công ty AIC, mong mọi người ủng hộ để doanh nghiệp về địa phương đầu tư.

Vẫn theo lời cựu bí thư, qua nhiều lần tiếp xúc, ông thấy bà Nhàn là người có quan hệ rất rộng rãi ở các địa phương và cơ quan trung ương, có nhiều đối tác nước ngoài, là người nhanh nhẹn, thông minh.

Khi bà Nhàn đến Văn phòng Tỉnh ủy gặp ông Thành, bị cáo này muốn giới thiệu về công nghệ thiết bị y tế mà Công ty AIC đang có. Thấy vậy, ông Thành gọi điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ (khi đó là giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai), đề nghị sắp xếp thời gian nghe trình bày, bởi ông không có chuyên môn, sau đó hai bên có gặp nhau hay không thì không rõ.

“AIC là công ty lớn, đã kinh doanh tại nhiều địa phương, lúc đầu tôi rất tin tưởng công ty sẽ trúng thầu bằng năng lực nhưng rất tiếc thực tế không như vậy” - ông Thành nói khi được hỏi về việc AIC dùng các chiêu trò để liên tiếp trúng 16 gói thầu.

Thực tế, từ sự giới thiệu của ông Thành, bị cáo Nhàn sau đó lần lượt gặp gỡ, quen biết và nhờ các lãnh đạo tỉnh, sở, ngành Đồng Nai giúp đỡ và tạo điều kiện cho Công ty AIC. Lời khai tại tòa của cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái, cựu giám đốc BV đa khoa Phan Huy Anh Vũ… đều cho thấy điều này.

Để có thể “lũng đoạn” công tác đấu thầu tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận được tiếp tay của chính các cựu lãnh đạo địa phương, mà điểm khởi đầu là ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy.

Nhận tiền tỉ là quà cám ơn?

Vẫn theo cáo trạng, xuất phát từ sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng cấp dưới tại AIC nhiều lần chi hối lộ cho các cựu lãnh đạo, gồm ông Trần Đình Thành 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái 14,5 tỉ đồng và Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỉ đồng.

Trả lời trước tòa, ông Trần Đình Thành thừa nhận đã sáu lần nhận tiền của bà Nhàn trong nhiều năm. Tiền nhận được, bị cáo dùng phần lớn tặng cho các cựu chiến binh, những người bị chất độc da cam, người nghèo, xây nhà tình nghĩa…, số tiền đưa cho vợ là rất ít.

Đến nay, bị cáo đã nhận ra thiếu sót của bản thân nên tự nguyện nộp lại toàn bộ. Cựu bí thư nhấn mạnh lần đầu tiên sau hàng chục năm cống hiến, bản thân mắc sai lầm nghiêm trọng như trong vụ án này.

Tương tự, bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khi được xét hỏi cũng thừa nhận hành vi nhận hối lộ của bản thân.

Trong hơn 10 năm, ông Thái đã 14 lần nhận tiền từ bà Nhàn và nhân viên AIC, vào các dịp lễ, tết hằng năm. Trong các lần đưa tiền, ông đều được phía công ty có lời nhờ giúp đỡ. Bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Đến nay, bị cáo đã nhận ra lỗi lầm, đã khắc phục toàn bộ số tiền trước khi bị khởi tố.

Về phía mình, bị cáo Phan Huy Anh Vũ cũng thừa nhận cầm 14,8 tỉ đồng từ lãnh đạo Công ty AIC. Dù vậy, bị cáo này thiết tha mong tòa “châm chước” cho hành vi của mình. Theo giải thích, bị cáo nghĩ rằng đây chỉ là quà cám ơn, vì khi nhận tiền thì mọi công việc đã xong xuôi hết rồi. “Bị cáo gặp Nhàn từ năm 2012 nhưng đến mãi sau này năm 2015 mới nhận được món quà đầu tiên” - ông Vũ nói.

Vì thế, bị cáo xin được hưởng khoan hồng bằng việc chỉ truy tố một trong hai tội, nếu vi phạm quy định đấu thầu thì có yếu tố vụ lợi, nếu nhận hối lộ thì hậu quả dẫn tới vi phạm đấu thầu.

Trước đề nghị này, HĐXX cho biết sẽ xem xét và cân nhắc hành vi của bị cáo trong tổng thể vụ án, việc đưa tiền trước hay sau không phải là căn cứ duy nhất để buộc tội mà mấu chốt là có hay không sự hứa hẹn giữa hai bên…•

Bị cáo gửi đơn từ Mỹ về Việt Nam

Trước khi vụ án này được đưa ra xét xử, có tới tám bị cáo được xác định bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã. Trong số này có Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội)…

Tại phần thủ tục, luật sư của bị cáo Thuyết giải thích về việc vắng mặt của thân chủ. Theo luật sư, bị cáo xuất cảnh khỏi Việt Nam từ thời điểm trước khi vụ án này khởi tố, với lý do sang giám hộ cho con (chưa thành niên) theo học tại Mỹ.

Mới đây, từ Mỹ, bị cáo Thuyết có đơn trình bày gửi đến HĐXX, xin xét xử vắng mặt và chấp nhận phán quyết của tòa trên cơ sở xem xét vụ án một cách toàn diện, khách quan… HĐXX cho biết đã nhận được đơn này của bị cáo Thuyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm