VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.
Trong số này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch kiêm tổng giám đốc AIC) và Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) – cả hai đang trốn truy nã, cùng bị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Hai ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cùng bị truy tố tội nhận hối lộ.
Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế) bị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.
Ba bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (trừ trái qua) |
Kết quả điều tra cho thấy, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Quá trình điều hành, bị can yêu cầu lãnh đạo và nhân viên công ty thực hiện các hành vi thông thầu và gian lận, trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngay từ năm 2003, bà Nhàn đã có mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông này đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn gặp và nhờ ông Thành giới thiệu AIC tới lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, nhằm tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh, trong đó có dự án xây dựng bệnh viện.
Từ sự giới thiệu của ông Thành, bà Nhàn lần lượt gặp, quen biết và đặt vấn đề với chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Thị Thu, giám đốc BV đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ… Các bị cáo sau đó thực hiện hàng loạt ưu ái cho Công ty AIC khi triển khai các gói thầu.
Về phía Công ty AIC, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin gian dối về năng lực công ty; thông đồng với chủ đầu tư, công ty tư vấn khi xây dựng hồ sơ thầu; thiết lập “quân xanh”…
Bằng các chiêu trò này, cộng với “bật đèn xanh” từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC cùng một số công ty do AIC chỉ định đã liên tiếp trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại ngân sách khoảng 150 tỉ đồng.
Không chỉ vi phạm đấu thầu, cơ quan công an còn xác định bà Nhàn nhiều lần chi hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái và Phan Huy Anh Vũ với tổng số tiền 43,8 tỉ đồng. Trong đó, hai cựu bí thư và chủ tịch mỗi người nhận 14,5 tỉ đồng, cựu giám đốc bệnh viện nhận 14,8 tỉ đồng…
Đến nay, trong số 36 bị can bị truy tố, bà Nhàn cùng bảy người khác bỏ trốn nên bị cơ quan công an phát lệnh truy nã.
Trong nhiều vụ án kinh tế thời gian qua, khi bị can bỏ trốn mà chưa bắt được, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ, tách hồ sơ để xử lý sau. Tuy nhiên với vụ án tại Đồng Nai, cả tám bị can trốn truy nã đều bị truy tố.
Một số ý kiến cho rằng đây là tình huống pháp lý “hiếm gặp”. Trường hợp nhóm bị can tiếp tục trốn truy nã, việc xét xử thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào?
Trao đổi với PLO, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, cho rằng cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể thực hiện truy tố và xét xử dù chưa bắt giữ được các bị can. Ông Toàn cũng đồng thời dẫn chứng một vụ án mà TAND TP Hà Nội từng xét xử, tuyên tử hình dù bị cáo không có mặt.
Theo ông, khi các bị can bỏ trốn đồng nghĩa cơ quan tố tụng không thu thập được lời khai của những người này nhưng không vì thế mà không thể kết luận hành vi sai phạm. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào lời khai của những bị can khác, người liên quan, cùng toàn bộ hệ thống chứng cứ và tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, để làm căn cứ xác định tội phạm.
Trường hợp tới đây các bị can ra đầu thú hoặc bị bắt giữ, nhóm này sẽ bị tạm giam để phục vụ việc truy tố, xét xử theo quy định. Nếu thời điểm tòa đã tuyên bản án có hiệu lực mà vẫn bỏ trốn, các bị cáo sẽ tiếp tục bị truy nã để chấp hành bản án do tòa tuyên.