Dưới triều Nguyễn, nhiều núm và mặt ấn được làm ra, nhưng do chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, các hiện vật đó bị thất lạc, chỉ còn lại Châu bản hiện đang được lưu giữ, bảo quản một cách khoa học tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I để tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị.
Từ thời Gia Long (1802) cho đến triều Minh Mệnh (1832), dấu ấn của một số cơ quan hàng doanh in trên châu bản được gọi là chương, sau thời kỳ đó được gọi là ấn. Ấn dấu trên Châu bản xác nhận tính chân thực và có giá trị của các văn bản liên quan trực tiếp tới đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, quân sự… ở thời điểm nó được phê chuẩn và có thể được coi là những tài liệu lịch sử nguyên gốc, nguồn tư liệu phong phú, đa dạng hữu ích đối với các công trình nghiên cứu khoa học về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn.
Các vị vua triều Nguyễn khi lên ngôi, lễ đăng quang nhận kiếm báu, ấn vàng diễn ra hết sức trọng thể. Ngay khi lên ngôi cùng với ban hành chiếu sắc chính sự, các vua triều Nguyễn còn ra chỉ dụ để chế tác và sử dụng Bảo tỷ và các loại ấn chương. Kim bảo tỷ biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế cũng như vương triều. Nhà vua sử dụng Kim bảo tỷ với ý nghĩa quốc gia trọng đại, được đúc bằng vàng và bằng bạc.
Các phiên bản tài liệu được trưng bày lần này được đóng dấu Bảo tỷ như: Quốc gia tín bảo, Ngự tiền chi bảo, Văn lý mật sát, Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành. Ngoài ra, còn có ấn kiềm Phủ Tôn Nhân- cơ quan quản lý, điều hành công việc nội tộc, không có thực quyền hành chính và một số ấn tín của hoàng thân quốc thích.
Một nội dung khác của trưng bày chính là ấn chương của các cấp chính quyền địa phương- cấp quản lý trực tiếp. Vua Gia Long chia lãnh thổ thành 23 trấn và 4 doanh, lập các chính quyền từ thành xuống phủ, huyện. Sau đó, vua Minh Mệnh đổi cấp thành và trấn thành tỉnh, trừ doanh Quảng Đức nơi đóng đô đổi thành Phủ Thừa Thiên, chia lãnh thổ thành 30 tỉnh. Theo nguyên tắc tổ chức hành chính mới ở địa phương, cấp tỉnh phải do một quan lại cấp cao đứng đầu.
Trưng bày Ấn chương triều Nguyễn 1802-1945- một góc nhìn về quản lý hành chính dưới triều Nguyễn, sẽ song hành cùng với những thay đổi mang tính tích cực trong quản lý hành chính.