Bí ẩn vụ máy bay Ukraine chở 176 người rơi ở Iran

Hôm 9-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho hay có bằng chứng cho thấy máy bay này đã bị tên lửa Iran bắn rơi và kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra minh bạch và đầy đủ về vụ tai nạn. Tờ The New York Times của Mỹ cho hay tờ báo này cũng đã có được một video được cho là ghi lại cảnh một tên lửa Iran bắn trúng một chiếc máy bay gần sân bay ở thủ đô Tehran.

Được biết báo cáo sơ bộ của Cơ quan Hàng không dân dụng từ Iran ngày 9-1 kết luận chiếc máy bay Ukraine đã gặp trục trặc kỹ thuật ngay sau khi cất cánh.

Khó có thể là lỗi kỹ thuật

Trả lời phỏng vấn của The New York Times, hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ cụ thể rằng hai tên lửa đã được một hệ thống phòng không Iran - SA-15 phóng lên chỉ thời gian ngắn trước khi xuất hiện tiếng nổ trên máy bay.

Các tên lửa có thể đã bị các đội phòng không của Iran phóng nhầm khi lực lượng này đang trực chiến đấu để đối phó với khả năng phản đòn của quân đội Mỹ sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào các căn cứ Mỹ ở Iraq vài tiếng trước đó, cũng vào rạng sáng 8-1.

Hình ảnh video mới nhất cho thấy dường như có một quả tên lửa đánh trúng máy bay khi nó bay qua Parand, cũng chính là khu vực mà máy bay ngừng truyền tín hiệu. Một vụ nổ nhỏ xảy ra trên máy bay nhưng máy bay không nổ ngay mà tiếp tục bay thêm vài phút, cố gắng bay ngược trở lại sân bay khởi hành. Máy bay cháy, tiếp đó phát nổ rồi rơi xuống.

Theo quan sát của cựu phi công hãng hàng không American Airlines, ông Les Abend, thông qua những mảnh vỡ vương khắp một khoảng cánh đồng hiện trường có thể thấy máy bay va chạm mặt đất ở tốc độ cao với một lực rất mạnh. Nói cách khác, máy bay không trượt trên mặt đất, không vượt qua các rào cản như cây cối, tảng đá theo kiểu hạ cánh khẩn cấp. Máy bay lao xuống và vỡ tan. Điều này chứng tỏ máy bay lúc đó không nằm trong sự điều khiển trực tiếp của các phi công vào thời điểm xảy ra tai nạn.

“Một vụ cháy điện trên máy bay, một vụ nổ từ đâu đó bên trong thân máy bay, hoặc cháy động cơ đều có thể là nguyên nhân tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu xảy ra một vụ cháy động cơ thì phi hành đoàn đã được đào tạo để ứng phó những tình huống như vậy. Một máy bay cũng được thiết kế để hoạt động ngay cả khi chỉ với một động cơ. Liệu có phải một tên lửa tầm nhiệt đã gây ra thảm họa này không? Câu trả lời ngắn gọn là có. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là suy đoán” - ông Abend nhận định.

Chuyên gia này cho rằng hiện mọi kết luận đều phải chờ thêm kết quả điều tra vì hiện tại thông tin còn quá ít. Nếu Iran muốn xác định nguyên nhân máy bay rơi, nước này nên chia sẻ với các bên liên quan, chẳng hạn như nhà sản xuất máy bay Boeing, các bằng chứng có giá trị như bản ghi âm buồng lái và hộp đen máy bay. Tuy nhiên, Tehran hiện vẫn từ chối giao nộp những bằng chứng này dù tuyên bố sẽ hợp tác với các nhà chức trách Ukraine.

Hiện trường vụ rơi máy bay Ukraine ở Iran hôm 8-1. Ảnh: REUTERS

Phản ứng của Iran

Đáng chú ý là không chỉ thủ tướng Anh, cùng ngày 9-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bất ngờ tuyên bố có thông tin tình báo cho thấy chiếc máy bay chở 176 người của hãng hàng không Ukrainian International Airlines có thể đã rơi hôm 8-1 vì trúng tên lửa phòng không Iran, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Donald Trump hôm 9-1 (giờ địa phương) tuyên bố đã thông qua các điều khoản gia tăng lệnh cấm vận đối với Iran. Ông Trump cho hay “có cảm giác xấu về vụ rơi máy bay” của Ukraine nhưng không tiết lộ thêm thông tin. 

“Chúng tôi có thông tin tình báo từ nhiều nguồn, gồm cả của các đồng minh và của chúng tôi. Bằng chứng chỉ ra máy bay Ukraine đã bị một tên lửa đất đối không của Iran bắn rơi”, ông Trudeau khẳng định, song vẫn cho biết vụ tai nạn hàng không trên “có thể không phải do cố ý”.

Ngay sau tuyên bố của ông Trudeau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã yêu cầu Canada trưng bằng chứng cho thấy điều đó. “Chúng tôi yêu cầu thủ tướng Canada và bất kỳ chính phủ nào khác có thông tin về vụ tai nạn gửi thông tin có liên quan cho ủy ban điều tra ở Iran” - đài RT dẫn lời ông Abbas Mousavi cho hay.

Ở thời điểm hiện tại, phát ngôn viên Abbas Mousavi khẳng định Iran bác bỏ mọi thông tin cho rằng máy bay rơi là do trúng tên lửa nước này cho đến khi có bằng chứng cụ thể.

“Mọi thông tin trên là một cuộc chiến tâm lý chống lại Iran. Các nước có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay đều có thể cử đại diện đến tham gia cuộc điều tra. Chúng tôi kêu gọi Boeing gửi đại diện của mình tham gia vào quá trình điều tra hộp đen” - vị này cho biết thêm.

Những nước nào sẽ tham gia điều tra?

Theo đài CNN, ngoài Ukraine và Iran, Mỹ cũng được phép tham gia cuộc điều tra vì là nơi máy bay Boeing được chế tạo. Pháp cũng có thể tham gia điều tra vì là nơi sản xuất động cơ máy bay. Iran khẳng định sẵn sàng cung cấp thị thực cho các nhà điều tra được ủy quyền.

Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Canada cho biết đang thu xếp với phía Iran để đưa nhóm điều tra của họ tới hiện trường máy bay rơi ở ngoại ô Tehran. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới