Tôi muốn hỏi theo quy định hiện hành thì tôi được phép nghỉ chế độ ốm đau dài ngày ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Thị An, quận 2, TP.HCM
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ theo quy định Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 điều kiện hưởng chế độ ốm đau là người lao động bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ và có xác nhận của cơ sở y tế.
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
Đối với trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
Trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; nếu hết thời gian nghỉ trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau.