Vụ việc làm nhiều bạn đọc thắc mắc: Việc tòa hoãn xử để CQĐT trưng cầu giám định về tình trạng của bị cáo có đúng quy định, có phù hợp không? Sắp tới các cơ quan tố tụng sẽ giải quyết trường hợp này như thế nào?
Bị cáo Tuấn Anh ngay trước khi bị "câm" tại phiên tòa. Ảnh: P.NAM
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật TNHH Đức Chánh), trường hợp bị cáo bỗng dưng bị câm dù trước đó vẫn khai báo bình thường tại CQĐT không thuộc các trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên tòa theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên ở vụ án trên, việc HĐXX hoãn phiên tòa là thể hiện sự thận trọng cần thiết nhằm đảm bảo quyền được trình bày, được tự bào chữa của bị cáo và đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử.
Cũng theo luật sư Chánh, sau khi có kết luận của tổ chức giám định sẽ có hai tình huống xảy ra: Nếu bị cáo bị câm thật thì cơ quan tố tụng phải cử người phiên dịch theo Khoản 4 Điều 61 BLTTHS. Nếu bị cáo chỉ giả câm nhằm từ chối khai báo hoặc muốn kéo rê vụ án thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử theo quy định. HĐXX có quyền công bố các lời khai của bị cáo tại CQĐT cũng như thẩm tra các tài liệu, chứng cứ trong vụ án để xét xử. Việc bị cáo từ chối khai báo chỉ làm mất đi quyền tự bào chữa, quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa và nói lời sau cùng trước khi nghị án của mình mà thôi.
ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM) bổ sung: Trong trường hợp bị cáo giả câm, tòa vẫn xét xử bình thường. Việc trả lời câu hỏi, trình bày, tự bào chữa tại phiên tòa là các quyền pháp luật quy định để bị cáo tự bảo vệ mình. Nếu có quyền mà bị cáo cố ý không sử dụng thì có bất lợi, bị cáo cũng phải tự gánh chịu.
Trong thực tiễn xét xử, tháng 11-2007 đã có vụ bị cáo Phan Thị Yên Phương phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu ra phiên xử không chịu nói gì nhưng vẫn bị TAND TP.HCM kết án tổng cộng 30 năm tù... Sau đó, Phương kháng cáo kêu oan nhưng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm.