Bị cáo phạm tội gì, để tòa quyết định

LTS: Như Pháp Luật TP.HCMvừa phản ánh, đề xuất cho tòa được xử tội nặng hơn tội mà VKS truy tố trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã gây tranh cãi. Góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao.

Thời gian qua, khi thảo luận sửa đổi, bổ sung BLTTHS, có nhiều ý kiến từ phía tòa án đề nghị bỏ quy định tại Điều 196 với tinh thần là VKS chỉ truy tố hành vi phạm tội và người phạm tội, còn kết án bị cáo về tội gì là do tòa quyết định.

Bất hợp lý đã có từ lâu

Vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra mà đã từ lâu, mỗi lần có chủ trương sửa đổi, bổ sung BLTTHS là các chuyên gia lại có dịp đưa ra những quan điểm trái chiều.

Quan điểm thứ nhất ủng hộ việc tòa không được kết án bị cáo về một tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS truy tố nhưng có quyền kết án bị cáo về tội bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS đã truy tố hoặc có thể kết án bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật. Quy định này xuất phát từ thực tiễn áp dụng BLTTHS năm 1988, sau khi các cơ quan tố tụng ở trung ương hướng dẫn thì nó được thực hiện như là một quy định của BLTTHS. Khi sửa đổi, bổ sung năm 2003, BLTTHS chỉ “pháp điển hóa” hướng dẫn của các cơ quan tố tụng ở trung ương mà thôi.

Quan điểm thứ hai cho rằng quy định tại Điều 196 BLTTHS chưa phù hợp với thực tiễn xét xử. Ví dụ: Một người phạm tội giết người nhưng VKS chỉ truy tố về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, HĐXX xác định bị cáo phạm tội giết người, kiểm sát viên cũng thừa nhận bị cáo phạm tội giết người nhưng HĐXX vẫn phải tuyên bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Mọi người dự phiên tòa không hiểu nổi là vì sao giết người lại chỉ bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, tòa đã kết án theo ý của VKS. BLTTHS năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa giải quyết được sự bất hợp lý trong trường hợp này.

Việc đề xuất cho tòa được xử tội nặng hơn tội mà VKS truy tố còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

VKS truy tố hành vi, tòa quyết định tội

Khi quy định tòa chỉ xét xử thì cần phải hiểu rằng tòa không thể xét xử một người mà VKS không truy tố, còn việc tòa quyết định như thế nào đối với bị cáo phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, đối chiếu với các quy định của BLHS. VKS chỉ truy tố hành vi phạm tội của bị cáo ra tòa, còn việc kết án bị cáo về tội gì là do HĐXX quyết định sau khi đã xem xét các tình tiết của vụ án một cách công khai tại phiên tòa, đúng như tinh thần mà các nghị quyết về cải cách tư pháp đã đề ra: “Việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

Tòa chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố, tức ngoài những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố thì tòa không được xét xử những hành vi mà VKS không truy tố. Ví dụ: VKS truy tố bị cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài tài sản với tổng số tiền 500 triệu đồng thì tòa chỉ được xét xử bị cáo về hành vi chiếm đoạt 500 triệu đồng. Khi xét xử về hành vi này, tòa thấy bị cáo không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tòa có quyền kết án bị cáo về tội lừa đảo.

Tòa xét xử và tòa kết án là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều 196 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định: “Tòa án chỉ xét xử” chứ không quy định “Tòa án chỉ được kết án”. Do đồng nhất hai khái niệm xét xử với kết án nên đã dẫn đến việc hiểu không đúng tinh thần của Điều 196 BLTTHS năm 2003.

Chúng tôi thấy cách hiểu trên là hợp lý nhưng cách hành văn tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 chưa rõ ràng, cần phải sửa lại theo hướng: “Tòa án chỉ đưa ra xét xử những bị cáo mà hành vi phạm tội của họ bị VKS truy tố. Việc kết án bị cáo phạm tội gì do tòa án quyết định”.

Hy vọng lần sửa đổi, bổ sung này, các nhà làm luật quan tâm đến vấn đề này một cách triệt để hơn.

Giữ nguyên quy định hiện hành

Theo tôi, Điều 196 BLTTHS hoàn toàn phù hợp, không cần sửa đổi. Theo Điều 170 BLTTHS, tòa sơ thẩm chỉ được xét xử về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Nếu không có giới hạn xét xử, VKS cấp huyện truy tố về tội cố ý gây thương tích nhưng tòa cấp huyện lại xử về tội giết người là vượt quá thẩm quyền.

Về nguyên tắc, VKS truy tố ai thì phải có nghĩa vụ chứng minh bằng chứng cứ cả về hành vi phạm tội lẫn tội danh truy tố. Vì thế ra tòa, đại diện VKS chứng minh không được tội danh truy tố thì thay vì cứ kết án theo ý của VKS, tòa hoàn toàn có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội. VKS vẫn có quyền kháng nghị nếu không đồng ý với phán quyết của tòa. Mặt khác, việc thẩm phán mạnh dạn tuyên bố bị cáo không phạm tội sẽ giúp cho điều tra viên, kiểm sát viên phải có trách nhiệm hơn, chỉn chu, cẩn thận hơn khi thực hiện nhiệm vụ bởi nếu không dễ đến oan sai.

            Luật sư TRẦN THÀNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cần cân nhắc kỹ hơn

Tôi đồng tình rằng tòa là cơ quan xét xử nên tòa được quyền quyết định tội danh và hình phạt. Nhưng tòa phải tạo điều kiện cho bị cáo được quyền tự bào chữa. Trường hợp VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa có quyền xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố nhưng quá trình xét xử phải bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và tuân thủ các quy định khác của BLTTHS.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là trong trường hợp ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra xác định nghi phạm không phạm tội có khung hình phạt cao nhất đến tử hình (bắt buộc phải có người bào chữa) nên không chỉ định luật sư. Ra tòa, tòa kết luận bị cáo phạm tội khác nặng hơn, có khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Lúc này phải đảm bảo quyền có người bào chữa của bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra ra sao? Rồi thành phần HĐXX sẽ gồm ba người hay năm người? Vì thế, tôi đề nghị các nhà làm luật cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn.

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm