Chính vì thế sau khi tòa tuyên VKSND tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị đối với Chánh án TAND tỉnh Phú Yên có biện pháp chỉ đạo cấp dưới phải rút kinh nghiệm. Theo VKSND tòa cho rằng bản thân bị cáo đã lớn tuổi vẫn làm người bán dâm, nên áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm e khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra) và áp dụng thêm Điều 60 BLHS cho bị cáo hưởng án treo là không đúng pháp luật.
Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (đoàn LS TP.HCM) và LS Lê Văn Bình (đoàn LS TP.HCM), kiến nghị của VKSND tỉnh là chính xác, bởi cách lập luận của tòa không đúng luật.
Ảnh minh họa: Internet
Theo hai LS, bị cáo B. bị truy tố tội chứa mại dâm tình tiết tăng nặng là nhiều lần theo điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS (khung hình phạt 5-15 năm tù). Tòa sơ thẩm đã áp dụng hơn hai tình tiết giảm nhẹ để áp Điều 47 BLHS xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là ba năm tù. Đây là mức án thấp nhất mà tòa có thể áp dụng với bị cáo sau khi đã vận dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ.
Nhưng việc tòa phúc thẩm lập luận rằng bản thân bị cáo đã lớn tuổi (46 tuổi) vẫn bán dâm nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại e khoản 1 Điều 46 BLHS, để cho hưởng án treo là không đúng.
Thứ nhất, Điều 47 BLHS quy định, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật này, toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Tòa sơ thẩm đã áp dụng hơn hai tình tiết giảm nhẹ (gồm người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải), để cho bị cáo hưởng điều 47 tuyên mức án ba năm tù (dưới mức thấp nhất của khoản 2 Điều 254 BLHS là năm năm). Như vậy nếu có áp dụng thêm điểm e khoản 1 Điều 46 BLHS như tòa phúc thẩm lập luận thì mức án cũng không thể thấp hơn.
Thứ hai, không thể cho bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra. Bởi bán dâm là xuất phát từ ý chí của B.. Bị cáo tự tìm khách mua dâm, sử dụng chính nhà mình để tổ chức bán dâm, chứa dâm và đã bán nhiều lần. Không ai ép buộc hoặc tạo ra hoàn cảnh để cưỡng bức ý chí buộc B. phải bán dâm cho khách mà chính B. tự ý thực hiện hành vi. Hơn nữa bị cáo mới 46 tuổi thì chưa được coi là lớn tuổi có hành vi phạm tội (BLHS quy định người từ 70 tuổi trở lên mới được coi là lớn tuổi được xem xét). Lập luận như tòa phúc thẩm là thiếu thuyết phục.
Thứ ba, việc tòa phúc thẩm áp dụng điều 60 BLHS cho bị cáo hưởng án treo là chưa ổn. Vì Khoản 1 điều luật này quy định, chỉ áp dụng án treo khi bị cáo bị xử phạt tù không quá ba năm tù, trong khi bị cáo B. bị tòa sơ thẩm phạt ba năm.
Điểm 6.1. Nghị quyết 01- 2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt) đưa ra các điều kiện cụ thể. Ngoài điều kiện về nhân thân thì bị cáo đó phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng. Nếu vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên. Ở đây do bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần nên tòa phúc thẩm phải tìm thêm một tình tiết giảm nhẹ mới là điểm e khoản 1 Điều 46, để cho bị cáo hưởng án treo. Nhưng như đã phân tích ở trên, do tình tiết giảm nhẹ mới này không chính xác nên việc tòa phúc thẩm áp dụng án treo là chưa chuẩn
Tự tổ chức bán dâm Theo hồ sơ, từ tháng 6-2016, bị cáo HTB (sinh năm 1970, trú huyện Đông Hòa, Phú Yên) sử dụng nhà ở của mình để chứa mại dâm. Khoảng 19 giờ 20 ngày 6-7-2016, có hai người nam rủ nhau đến nhà B. để mua dâm. B. đồng ý bán dâm với giá 300.000 đồng/lần/người, đồng thời gọi điện thoại cho một gái bán dâm tên là BTC đến “phụ” mình. Trong lúc B. và C. đang bán dâm cho hai người nam thì bị công an bắt quả tang. Qua điều tra, B. khai đã nhiều lần tổ chức bán dâm tại nhà; C. cũng khai nhiều lần đến nhà B. bán dâm. Xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa nhận định hành vi của bị cáo B. đã phạm tội chứa mại dâm nhiều lần theo điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS (khung hình phạt 5-15 năm tù). Nhưng HĐXX đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để tuyên phạt B. ba năm tù. Sau đó B. kháng cáo xin hưởng án treo… |