Bị chỉ trích vì “hát chùa”, các nghệ sĩ nói gì?

(PLO)- Hàng loạt nghệ sĩ: Thủy Tiên, Đan Trường, Lệ Quyên, Uyên Linh… bị tố khi hát những ca khúc trong các chương trình thương mại nhưng không xin phép.

Nhiều nghệ sĩ lý giải đó chỉ là hát giao lưu, hát theo yêu cầu của khán giả… song vẫn vấp phải làn sóng tẩy chay. Thậm chí, không ít khán giả cho rằng đây là hành vi “cướp cần câu cơm” của đồng nghiệp trẻ, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của những nghệ sĩ lâu năm.

Nathan lee: “tôi sẽ mời luật sư nếu còn vi phạm”

Vụ việc ca sĩ Thủy Tiên hát Giấc mơ tuyết trắng trong một đêm nhạc phòng trà từng gây ồn ào dư luận. Điều đáng nói, ca sĩ Nathan Lee khẳng định đã mua bản quyền bài hát này. “Tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp nếu bất cứ ai vi phạm bản quyền một lần nữa những ca khúc mà tôi đã mua bản quyền. Tôi sẽ kiện tới bến” - Nathan Lee khẳng định với PV báo Pháp Luật TP.HCM.

Về vụ việc này, trước đó phía Thủy Tiên đã gửi lời xin lỗi khán giả và Nathan Lee. Phía nữ ca sĩ cho biết khi hát ca khúc Giấc mơ tuyết trắng, Thủy Tiên đã liên hệ với nhạc sĩ Quốc Bảo xin phép hát ca khúc này và nhận được sự đồng ý của nhạc sĩ.

“Trước khi show diễn ra, bên phòng trà đã liên hệ Trung tâm bảo hộ quyền tác giả để kiểm tra bản quyền cũng như trả phí tác quyền cho tất cả bài hát đăng ký trong show và được cấp phép hát, không hề có phản hồi là bài Giấc mơ tuyết trắng hay bất cứ bài nào trong show không được phép hát do đã sở hữu độc quyền” - ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ.

Thủy Tiên, Đan Trường, Uyên Linh từng bị chỉ trích vì hát không xin phép. Ảnh: FBNV

Nathan Lee khẳng định sẽ mời luật sư nếu nghệ sĩ còn vi phạm. Ảnh: BTC

Đừng đổ lỗi cho khán giả. Nói như vậy thì dễ quá. Trong khi nghệ sĩ là người quyết định bài hát nào sẽ biểu diễn trên sân khấu.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ làm nghề lâu năm bị tố hát những ca khúc khi chưa xin phép.

Ca sĩ Đan Trường, Tùng Dương, Lệ Quyên từng bị ACV Entertainment, đơn vị nắm giữ bản quyền ca khúc Ai chung tình được mãi lên tiếng chỉ đích danh việc ba nghệ sĩ đã sử dụng ca khúc này trái phép, vi phạm bản quyền. Phía ba nghệ sĩ sau đó đã có phản hồi về vụ việc này. Gần đây nhất Uyên Linh bị tố cáo hát không xin phép 'Bên trên tầng lầu'.

Phía ca sĩ Đan Trường đã lên tiếng xin lỗi công khai đồng thời khẳng định đã xoá ca khúc trên Youtube và không trình diễn trên bất cứ sân khấu nào.

Đại diện ca sĩ Tùng Dương nói rằng trách nhiệm bản quyền không thuộc về nam ca sĩ vì chính Ban tổ chức live show mới là người phải xin phép. Đông Đô show sau đó đã gửi lời xin lỗi. Về phía ca sĩ Lệ Quyên, đại diện ACV cho biết phía ca sĩ Lệ Quyên đã trực tiếp liên lạc với ACV Entertainment và gửi lời xin lỗi chính thức đồng thời khẳng định ca sĩ Lệ Quyên sẽ không bao giờ thể hiện ca khúc dưới bất kỳ hình thức nào nữa để thể hiện sự tôn trọng tác giả.

Những lý do này gây nên nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng nghệ sĩ bỏ tiền mua, nghệ sĩ trẻ mất nhiều thời gian, chất xám để có được bản hit nhưng lại bị những nghệ sĩ lâu năm “hát giao lưu” liệu có công bằng?

“Đừng đổ lỗi cho khán giả. Nói như vậy thì dễ quá. Trong khi nghệ sĩ là người quyết định bài hát nào sẽ biểu diễn trên sân khấu. Nếu tôi, tôi sẽ không hát nếu chưa xin phép. Có nhiều bài hát để hát mà, tại sao lại hát bài hát không thuộc về mình. Hãy xin phép trước khi hát, đơn giản vậy thôi!” - Nathan Lee nói.

Theo quy định của Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản thuộc độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này có nghĩa ai muốn biểu diễn, trình bày một ca khúc trước công chúng thì phải xin phép chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền. Trừ các trường hợp tác giả sáng tác theo hợp đồng (lao động, dịch vụ…) theo Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 39 hoặc chuyển nhượng quyền tác giả theo Điều 41 thì tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN

Luật quy định sao về chuyện này?

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nói: “Theo thông tin báo chí, ca khúc Giấc mơ tuyết trắng được sáng tác độc lập, không liên quan đến bất kỳ thỏa thuận, hợp đồng nào. Về nguyên tắc, người nào muốn biểu diễn ca khúc này trước công chúng thì phải được sự cho phép của nhạc sĩ Quốc Bảo hoặc người được nhạc sĩ Quốc Bảo ủy quyền. Cụ thể, trong trường hợp này là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)”.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, trong trường hợp nhạc sĩ Quốc Bảo đã chuyển nhượng quyền tác giả ca khúc Giấc mơ tuyết trắng cho ca sĩ Nathan Lee, tức có sự thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả thì quyền biểu diễn lúc này thuộc về chủ sở hữu mới là ca sĩ Nathan Lee. Tuy nhiên, quyền độc quyền của ca sĩ Nathan Lee phát sinh kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả có hiệu lực không thể đương nhiên và ngay lập tức hủy bỏ quyền sử dụng của các cá nhân đã được nhạc sĩ Quốc Bảo cho phép trước đó. Vấn đề này còn tùy thuộc vào các thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng về việc giải quyết xung đột giữa các quyền được cấp trước đây.

Thứ hai, trong trường hợp nhạc sĩ Quốc Bảo chỉ cấp phép độc quyền cho ca sĩ Nathan Lee. “Nếu hợp đồng cấp phép độc quyền có đề cập rõ ràng nội dung cho phép ca sĩ Nathan Lee được độc quyền thực hiện việc biểu diễn và quyền cấp phép lại cho bên thứ ba bất kỳ, cũng như quyền xử lý các hành vi xâm phạm và hợp đồng này đã được thông báo cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC thì ca sĩ Nathan Lee sẽ có quyền yêu cầu ca sĩ Thủy Tiên chấm dứt hành vi biểu diễn. Ngược lại, nếu hợp đồng cấp phép độc quyền không đề cập việc cho phép ca sĩ Nathan Lee quyền cấp phép lại cho bên thứ ba bất kỳ và quyền xử lý các hành vi xâm phạm thì ca sĩ Nathan Lee sẽ không có quyền yêu cầu ca sĩ Thủy Tiên chấm dứt hành vi biểu diễn” - luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.•

Nghệ sĩ nên làm gì khi cho rằng mình bị xâm phạm

Một số hành vi xâm phạm phổ biến là cover (bản hát lại) khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát; chế lại lời bài hát khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát; đưa bài hát lên YouTube, Facebook, TikTok, Instagram… mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát; sử dụng bài hát trong các buổi liveshow của nghệ sĩ… mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát; sử dụng bài hát trong các MV ca nhạc… mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát.

Khi phát hiện, nghệ sĩ phải thu thập chứng cứ, lập vi bằng… và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành vi xâm phạm bản quyền bài hát. Nếu tiếp tục thì hoàn thiện thủ tục nhằm khởi kiện bên có hành vi xâm phạm bản quyền bài hát ra tòa án.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới