Ngày 5-9, bà Nguyễn Thị Minh Thơ (62 tuổi, ngụ chung cư Gò Dầu 2, phường Tân Quý) vì chạy xe máy đuổi theo kẻ cướp giật để lấy lại túi xách đã va vào cột đèn và tử vong sau đó. Từ tai nạn thương tâm này, nhiều bạn đọc băn khoăn: Có nên đuổi theo kẻ cướp để lấy lại tài sản, phải làm cách nào để giữ được an toàn cho mình và người xung quanh?
Ghi nhớ đặc điểm của tên cướp
Tôi từng chứng kiến một vụ cướp giật ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú và thấy cách đuổi theo để lấy lại tài sản là rất nguy hiểm. Sáng hôm đó, tôi đang ngồi chờ xe buýt thì từ xa có hai thanh niên chạy xe đến, người ngồi sau huơ tay giật chiếc ví trong túi quần của một bác đang chạy xe máy cùng chiều. Vụ việc xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng vài giây.
Loay hoay một hồi, bác này mới kêu lên “cướp, cướp…” rồi đuổi theo. Bác ấy chạy với tốc độ rất nhanh, một tay cầm lái, một tay chỉ về hướng hai thanh niên đó. Theo tôi, bác ấy không nên hành động như thế mà hãy cố gắng nhớ biển số xe, nhớ đặc điểm nhận dạng của hai tên cướp. Ví dụ hai người ấy mặc áo màu gì, hình dáng thế nào… sau đó trình báo công an gần nhất để nhờ hỗ trợ. Việc liều mạng đuổi theo vừa nguy hiểm, vừa không chắc lấy lại được tài sản.
TRẦN THU MINH (Phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM)
Phải lượng sức khi đuổi theo
Tôi mà bị giật đồ, chắc chắn tôi sẽ đuổi theo nếu món đồ bị mất có giá trị lớn. Tôi chọn phương án này vì tôi là đàn ông, có sức khỏe, tay lái vững. Nếu là phụ nữ thì không nên đuổi theo vì rất nguy hiểm. Mất của ai không xót nhưng cần phải lượng sức mình chứ đừng bất chấp mọi giá. Báo công an là cần thiết nhưng đòi hỏi xử lý rốt ráo cho dân khi nhận tin báo. Bạn tôi từng bị giật túi xách, nhìn thấy cả biển số xe, vào báo công an thì bị hỏi như hỏi cung, cứ nghĩ sẽ sớm tìm được mà cuối cùng vừa mất của vừa rước bực vào người. Tôi từng nghe Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề cập việc tái lập đội săn bắt cướp SBC của TP.HCM để dẹp nạn cướp giật hiện nay, rất mong việc này sớm được thực hiện.
TRẦN KÌ PHƯƠNG (Phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Một cảnh cướp giật trên đường phố. Ảnh cắt từ clip
Đuổi theo là quá nguy hiểm
Thường, tâm lý của những người gặp cướp giật sẽ rất lúng túng và phải mất khoảng 5-10 giây thì mới định hình được. Những đối tượng tội phạm nắm được tâm lý này nên tranh thủ chạy thoát. Hơn nữa, khi chuẩn bị đi cướp giật, các đối tượng đã tính toán trước đường chạy thoát, thậm chí chuẩn bị hung khí chống cự khi bị chống trả. Vì thế cần hiểu rằng bọn cướp lúc nào cũng ở thế chủ động, còn người bị cướp tất nhiên trong thế bị động.
Tâm lý của người bị cướp lúc ấy rất khó điều khiển được hành vi của mình, xót của nên sẽ bất chấp mọi nguy hiểm để lấy lại tài sản. Nếu chạy xe đuổi theo tên cướp, chúng ta sẽ không kiểm soát được tốc độ, không thể xử lý được tình huống khi gặp chướng ngại vật xung quanh nên khả năng xảy ra tai nạn rất cao.
Khi bị cướp, điều trước tiên cần làm là bảo vệ tính mạng của mình và cần phải hết sức tỉnh táo, khôn khéo để xử lý tình huống. Để được an toàn nên tri hô, nhờ người trợ giúp và trình báo công an ngay, đừng tự mình đuổi theo vì cách này có thể gây thương vong cho mình, lại có thể gây tai nạn cả cho người xung quanh.
ThS NGUYỄN THÀNH NHÂN,chuyên gia kỹ năng thực hành xã hội Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương
Trung tá LÊ MINH LÊ, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3: Biết cách tri hô và nhớ nhân dạng “Của đau con xót”, người bị cướp giật đuổi theo mong lấy lại tài sản là điều dễ hiểu; nhưng đuổi theo là đánh cược mạng sống của mình: nóng vội nên khó làm chủ tay lái, dễ té ngã. Xác suất đuổi theo lấy lại được tài sản là có nhưng rất ít. Tại quận 3 cách đây khá lâu từng có trường hợp vì chạy theo tên cướp, một cô gái không làm chủ được tốc độ nên đâm vào thành cầu, tử vong. Báo chí cũng đã từng đưa rất nhiều thông tin về những vụ việc đau lòng tương tự. Câu chuyện người phụ nữ tử vong ngày 5-9 vì đuổi theo hai tên cướp giật là ví dụ mới nhất. Bởi vậy việc đầu tiên cần làm khi bị cướp giật là phải la to lên để được những người xung quanh hỗ trợ, giúp đỡ. Lưu ý, phải biết cách tri hô. Đa phần khi bị cướp giật, người dân sẽ có tâm lý hoảng loạn, nhiều người chỉ biết kêu “Ơ, ơ… cứu cứu”. Kêu cứu vậy sao người đi đường hiểu được! Hãy ngắn gọn thôi, chỉ tay về phía tên cướp, la lên “Cướp! Cướp! Áo vàng, đi xe SH, bắt lấy nó”. Thứ hai, thay vì đuổi theo, hãy nhanh chóng nhớ kỹ biển số xe, nhân dạng của kẻ cướp, ngay lập tức đến cơ quan công an gần nhất trình báo. Chẳng hạn: tên cướp đi xe gì, màu xe, nhân dạng mập hay ốm, tóc tai, cách ăn mặc; trên cơ thể có điểm gì nổi bật nhất (nốt ruồi to ở miệng, vết xăm hình rồng ở tay phải…). Có nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự lưu trong hồ sơ lưu trữ của công an nên những chi tiết đắt giá ấy có thể giúp cơ quan công an sớm tìm ra kẻ gây án, hoàn trả tài sản cho người dân trước khi bị tẩu tán. Trong đó, biển số xe là một trong những chi tiết quan trọng. Tuy vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy cố gắng đừng để mình trở thành nạn nhân. Khi đi đường không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Kẻ gian thường theo dõi ở những tiệm mua bán điện thoại, tiệm vàng, ngân hàng, cây ATM… Vì vậy, khi đến và rời khỏi những địa điểm này phải cảnh giác. Khi đã xác định có đủ kỹ năng dí theo tên cướp thì đồng thời phải hô to lên để được những người dân xung quanh hỗ trợ. Hãy nhớ: Tính mạng là quan trọng! ______________________________ • Ngày 27-6, chị T. đi xe ôm từ cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh) ra bến xe ở quận 5, lúc đi ngang khu vực gần Công viên Lê Văn Tám, bất ngờ có hai thanh niên chạy xe máy giật túi xách chị T. đang đeo trên vai. Do nạn nhân giằng co, giữ chặt túi xách nên kẻ cướp cố sức giật mạnh khiến chị T. bị té xuống đường và tử vong sau đó. • Ngày 27-5, anh Rachid cùng vợ là chị Tr. và con gái hai tuổi về nhà tại chung cư Phúc Yên (đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình). Khi tới nhà, vợ chồng anh chị bước xuống ô tô thì bất ngờ có hai thanh niên chạy xe máy áp sát và lao tới giật bóp trên tay chị Tr. rồi bỏ chạy. Anh Rachid đuổi theo giành lại thì bị một đối tượng dùng dao đâm gây thương tích ở vùng mặt và ngực. |