Bài viết “Tại sao bị trộm cắp, cướp giật phải đi báo công an?” (PLO ngày 22-3) nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Bên cạnh sự bất hợp tác giữa người dân với lực lượng công an, một vấn đề cần suy ngẫm là cách xử lý vụ việc của người có trách nhiệm lắm khi khiến người dân ngán ngại.
Bắt quả tang nhưng thả kẻ gian
Gia đình tôi bị một vụ trộm nhớ đời. Một buổi sáng cách đây hơn ba năm, tôi mất trộm chiếc xe mô tô. Gia đình tôi dò tìm khắp nơi. Hai ngày sau, bỗng có người gọi điện thoại đến yêu cầu tôi mang hơn 30 triệu đồng để chuộc chiếc xe về. Tôi trình báo ngay cho công an. Sau đó lực lượng công an bắt quả tang tên trộm gọi điện thoại đòi tiền chuộc của gia đình tôi. Tuy nhiên, họ không giữ người này mà thả hắn về. Tôi ấm ức lắm nhưng nghĩ lấy được tài sản là may mắn rồi nên thôi không đòi truy cứu nữa. Tưởng xong chuyện, nào ngờ ba tháng sau, tên này dẫn theo hai thanh niên cầm vũ khí đến chém cả nhà tôi. Tôi và đứa con trai bị thương tích hơn 11% và đến nay tôi vẫn còn cái sẹo to trên gương mặt. Sự việc rõ ràng như vậy mà những kẻ trộm cắp, đánh người kia không hề bị xử lý gì. Bao nhiêu năm nay tôi cứ chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần nhưng không kết quả. Với cách làm việc chưa hết trách nhiệm của cơ quan công an như vậy nếu gia đình tôi mà xảy ra trộm cắp làm sao tôi dám trình báo!
Anh Trần Châu T. (TP.HCM)
Một cô gái bị giật túi xách té xuống đường. Ảnh: XD
Hỏi nhiều, xử lý khó hiểu
Có lần nhỏ bạn tôi bị giật túi xách, nhìn thấy cả biển số xe của kẻ giật đồ. Tên kia còn quay lại dọa: “Mày báo công an, tao sẽ chém”. Lúc đó, trong túi xách ngoài tiền mặt, điện thoại còn có rất nhiều giấy tờ quan trọng nên tôi chở bạn qua công an phường trình báo mong tìm được sớm. Công an hỏi nhiều lắm: xe gì, màu sắc xe hắn đi, hắn trông như thế nào… tôi và bạn cứ nghĩ là sẽ sớm tìm được. Ba ngày sau, vô tình đi ăn sáng, chúng tôi thấy xe của tên giật đồ trong công an phường. Đầu giờ chiều, nhỏ bạn vào hỏi, công an vẫn bảo chưa tìm được khiến chúng tôi rất khó hiểu. Mấy lần sau này bị giật đồ, tôi không bao giờ đi trình báo nữa, đành coi như của đi thay người.
Bạn Trần T. (TP.HCM)
Nhiêu khê thủ tục
Tôi làm việc tại một công ty tư nhân, làm việc phải theo quy định giờ giấc của công ty. Ngoại trừ ngày phép năm, nếu tôi nghỉ ngày nào thì cuối tháng sẽ bị trừ lương ngày đó. Một buổi tối, tôi đang đi xe trên đường Lạc Long Quân thì có điện thoại reo, tôi vừa móc điện thoại ra thì từ đằng sau có một thanh niên lao tới giật. Lúc đó, tôi chưa kịp định hình lại thì có hai anh trinh sát lao tới bắt tên thanh niên này. Sau khi khống chế tên cướp giật, hai anh trinh sát mời tôi về trụ sở phường lấy lời khai. Tôi phải viết tường trình đến hơn 23 giờ thì được nhận lại điện thoại, về nhà. Khoảng một tháng sau, công an lại gọi tôi lên lần nữa để làm lại bản tường trình. Mấy tháng sau, khi tên thanh niên này ra tòa thì tôi cũng lại bị gọi. Mỗi lần đi lên đi xuống vụ này, tôi phải nghỉ việc một ngày, chưa kể đi lại rất xa. Không phải tôi không muốn hợp tác với công an để bảo vệ an ninh trật tự nhưng thủ tục quá nhiều khiến mất thời gian, trong khi tài sản bị giật thì không lớn.
Phan Thiên H. (TP.HCM)
• Vấn đề nằm ở thái độ của mấy anh công an trực ban. Trước đây báo chí cũng có đăng mấy vụ chỉ vì báo bị cướp mà gặp rắc rối. Làm việc như vậy thì người dân làm sao tin tưởng mình được bảo vệ! Theo tôi, chỉ cần báo 113 và 113 có trách nhiệm ghi nhận sự việc, tự động lưu lại số điện thoại người báo rồi chuyển thông tin cho địa phương xử lý. (lyhoang…@gmail.com) • Tôi đã một lần bị trộm gỡ mất biển số xe máy, bèn làm tờ giấy khai báo mất biển số xe có chữ ký của chủ nhà, ghi rõ số nhà, tổ dân phố, khu phố, phường. Sau đó tôi mang lên công an phường trình báo. Người thụ lý nhận thông tin hoạnh họe, căn vặn mãi, rằng có phải mất ở phường này không... Phải chăng họ sợ vụ việc xảy ra trên địa bàn của mình sẽ bị mất điểm thi đua, sợ bị quy trách nhiệm? (hungf…@gmail.com) |