Công an TP Hà Nội lại vừa tiếp nhận một nạn nhân bị lừa hàng chục triệu đồng qua Facebook. Cũng như cả chục vụ trước đó, nạn nhân khó có khả năng lấy lại số tiền bị lừa vì công an đang “bó phép” với dạng lừa đảo qua mạng này.
Tiền mất, quà chẳng thấy
Theo chị Nguyễn Thị T. (42 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm - Hà Nội), chị có một tài khoản cá nhân trên Facebook và cách đây vài tháng, chị nhận được lời mời kết bạn từ một nick name tên Evan David. Qua Facebook, người này giới thiệu là người Anh gốc Đức.
Sau đó hai người thường xuyên trao đổi qua Google Translate. Khi biết chị T. độc thân, hai người “xáp lại nhau” qua Facebook, chia sẻ nhiều điều. Cuối tháng 11-2015, khi biết tin mẹ chị T. bị bệnh phải vào bệnh viện, Evan David ngỏ lời muốn tặng chị T. một số món quà có giá trị cùng 7.000 USD.
“Qua Facebook, anh ta chụp ảnh từng món quà khi xếp vào thùng cộng với hóa đơn gửi thùng hàng nặng 12,5 kg gửi cho tôi xem, tôi thầm cảm ơn anh ta có lòng tốt” - chị T. nói.
Ngày 3-12, Evan David gửi tin nhắn cho chị T. rằng quà đã được gửi và sẽ tới Việt Nam. Đến khoảng đầu giờ chiều cùng ngày, chị T. nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, xưng là “nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất”. “Qua điện thoại, người phụ nữ này thông báo tôi có một bưu phẩm gửi từ nước ngoài, yêu cầu tôi nộp 750 USD (tương đương 17 triệu đồng) lệ phí vào một tài khoản ngân hàng do người này chỉ định, ba giờ sau sẽ nhận được hàng” - chị T. nói.
Sau khi chuyển tiền như “nhân viên Tân Sơn Nhất” yêu cầu thì chị tiếp tục nhận cuộc gọi của “nhân viên sân bay”, thông báo là hải quan phát hiện bên trong bưu phẩm chứa 7.000 USD, muốn nhận phải có hóa đơn “chống rửa tiền” hoặc chị T. phải nộp 2.500 USD (tương đương 57 triệu đồng).
Nạn nhân T. và hóa đơn chuyển tiền cho kẻ lừa. Ảnh: TP
“Tôi liền nhắn tin cho Evan David về cái phiếu gì đó thì anh ta trả lời là bên Anh đang tối, không thể có hóa đơn ngay và gợi ý tôi đóng tiền, sau đó anh ta sẽ “bù vào” - chị T. kể.
Chị đi vay bạn bè, người thân gần 60 triệu đồng, ra ngân hàng chuyển vào tài khoản của “nhân viên sân bay” và dài cổ chờ.
Nóng ruột, chị liên lạc lại số điện thoại của “nhân viên sân bay” thì người này yêu cầu chị… nộp thêm 1.200 USD tiền phạt vì không khai báo bưu phẩm có ngoại tệ. Nhắn qua Facebook cho Evan David, anh này tiếp tục động viên… nộp.
“Đến lúc này tôi nghi ngờ, sao hải quan lại có thể biết chính xác bên trong bưu phẩm có 7.000 USD nên trì hoãn việc chuyển 1.200 USD, chia sẻ thông tin với bạn bè thì mới hay mình bị lừa” - chị T. nói.
Theo chị T., đến giờ “nhân viên sân bay” vẫn tiếp tục gọi điện thoại, thúc giục chị nộp nốt 1.200 USD!
Công an gặp khó với dạng lừa đảo này!
Tiếp nhận trình báo của chị T., Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội, khẳng định chị T. đã bị lừa đảo.
Theo Thượng tá Hằng, hiện nay tình trạng lừa đảo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,… ngày càng phổ biến và phức tạp.
“Trong năm dạng lừa đảo qua mạng thì dạng làm quen rồi gửi quà như vụ của chị T., đến nay chúng tôi vẫn chưa khám phá được vụ nào” - bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, kẻ lừa thường là nam giới, tuổi ngoài 30, mục tiêu nhắm đến là những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, thiếu thốn tình cảm. Sau khi kết bạn, nạn nhân sẽ bị xúc động vì tự nhiên được một người khác giới quan tâm nên nhanh chóng tin tưởng.
“Sau khi chiếm tình cảm ảo, kẻ lừa đảo sẽ hẹn sang Việt Nam gặp gỡ hoặc hứa tặng quà, tiền. Tiếp đến sẽ có một kẻ đóng vai là hải quan, gọi điện thoại thông báo cho nạn nhân chuyển khoản các loại phí, tiền phạt… Cũng có trường hợp kẻ lừa đảo đi cùng gói hàng, đến sân bay thì gọi cho nạn nhân, khóc lóc rằng đang bị giữ ở sân bay vì mang theo ngoại tệ, hiện không có tiền để đóng phí và nạn nhân sẽ chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ lừa. Có những trường hợp lừa một lần rồi chúng rút lui nhưng cũng có người bị yêu cầu 3-4 lần, số tiền bị lừa có thể lên cả tỉ đồng” - bà Hằng khái quát.
Theo Thượng tá Hằng, với dạng lừa đảo này rất khó điều tra ra thủ phạm vì không có danh tính thật. Tài khoản gửi tiền thường là thẻ Visa, chủ thẻ có thể rút tiền ở bất cứ nơi đâu hoặc mở tài khoản bằng CMND giả, sau khi rút tiền sẽ hủy thẻ, khó phong tỏa tài khoản.
Năm dạng lừa đảo qua mạng Theo Thượng tá Hằng, các dạng lừa thường gặp là gửi tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ; giả Facebook bán hàng online; gửi tin nhắn trúng thưởng xe máy và tiền mặt; hack tài khoản Facebook rồi nhờ người quen của nạn nhân nạp tiền và cuối cùng là dạng làm quen qua Facebook rồi gửi quà. Để tránh bị lừa, khi đối tượng xưng là nhân viên hải quan, nạn nhân nên gọi trực tiếp cho đơn vị hải quan đó nhờ xác nhận thông tin. Thông thường, các đơn vị hải quan làm việc trực tiếp tại trụ sở chứ không yêu cầu nộp tiền qua tài khoản, làm việc qua điện thoại, khi nộp tiền sẽ có biên lai. “Bất cứ trường hợp nào đưa ra lợi ích kinh tế cũng cần cảnh giác, nhất là khi phải bỏ tiền túi của mình để có được một nguồn lợi nào đó mà chưa hề nhìn thấy” - bà Hằng nói. 11 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn làm quen trên Facebook rồi gửi quà từ tháng 11-2014 đến nay với tổng số tiền bị lừa khoảng 5 tỉ đồng nhưng PC50 chưa khám phá ra vụ nào. |