Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7-11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội tấn công.
Trước tình hình hiện nay có không ít nạn nhân đặc biệt là những người nổi tiếng đang phải chịu những cuộc tấn công trên không gian mạng.
Nếu khi vô tình trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công từ cộng đồng mạng, người dùng mạng xã hội phải làm gì để bảo vệ mình.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena xoay quanh vấn đề trên.
Khởi nguồn cuộc tấn công từ cộng đồng mạng xã hội
. Phóng viên: Theo ông, tại sao lại có nhiều người trở thành nạn nhân bị tấn công từ mạng xã hội?
+ Ông Võ Đỗ Thắng: Những hoạt động trên không gian mạng có rất nhiều người tham gia, đặc biệt là những người nổi tiếng, những KOL rất muốn có nhiều hoạt động trên mạng xã hội. Khi nhiều người tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, họ muốn chia sẻ nhiều hoạt động cá nhân từ cuộc sống hàng ngày từ thói quen, cách nói chuyện, sở thích,…
Khi người dùng mạng xã hội đưa các hoạt động của mình lên mạng chủ yếu với mục đích đánh bóng hình ảnh, xây dựng thương hiệu bằng cách tạo các hoạt động thường xuyên trong cộng đồng. Trong quá trình hoạt động như vậy, họ cũng có thời điểm có những thông tin không theo nguyên tắc chung của cộng đồng. Lúc đó, lại có những nhóm người khác “soi”, tìm những điểm yếu, những điểm chưa phù hợp để khai thác. Từ những chia sẻ của nạn nhân, bị một nhóm người khác thổi phồng lên sự việc lên. Thậm chí có những người xây dựng cả kịch bản để đẩy thông tin ấy trở thành trào lưu nhằm tấn công nạn nhân.
Đa phần những người đứng sau các cuộc tấn công đều có chủ đích. Chính vì thế, những cuộc tấn công mạng luôn luôn có mục đích, có người đứng sau khởi đầu, đạo diễn các đường đi, có chiến lược để làm sao tạo được kết quả mà họ đề ra.
. Khi rơi vào tình huống bị tấn công từ mạng xã hội, nạn nhân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình và chấm dứt được sự tấn công ấy sớm thưa ông?
+ Đa phần những người bị tấn công mạng xã hội, thời gian đầu họ không biết mình bị tấn công vì họ không để ý hoặc không có chuyên môn để nhận biết ngay sự tấn công đó cho đến khi mọi thông tin tấn công đó bùng lên, liên tục. Lúc này, nạn nhân thường rơi vào tình trạng rối loạn không biết phải xử lý như thế nào. Khi ấy, nạn nhân lại có những hành động phản hồi lại, có khi lại không đúng chuẩn mực. Thậm chí, còn có tình trạng “đổ dầu vào lửa” khiến cho những cuộc tấn công bùng phát hơn nữa.
Vì thế, người bị tấn công từ mạng xã hội phải thực hiện việc thứ nhất là giữ được thái độ bình tĩnh.
Thứ hai, các nạn nhân không nên có những phát ngôn hoặc có những phản ứng thiếu kiểm soát trên cộng đồng mạng.
Thứ ba, nên có người cố vấn có am hiểu về cộng đồng mạng, am hiểu về quy định trên không gian mạng,…Khi đó, đưa ra phương án, cách xử lý để xoa dịu cộng đồng mạng đồng thời biết được ai là người đứng sau dẫn đầu những cuộc tấn công đó và có sự “điều đình”.
Thứ tư, hiện nay đã có những quy định pháp luật như Luật An ninh mạng để bảo vệ những các nạn nhân bị tấn công từ mạng xã hội. Vì thế, nạn nhân nên làm đơn gửi cho các cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông ở các địa phương hoặc cơ quan công an. Các cơ quan này khi nhận được đơn, họ biết được có cuộc tấn công đó trên không gian mạng và có cơ chế theo dõi, xử lý.
Cần sự vào cuộc nhanh của cơ quan chức năng
. Các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp nào khi nhận thông tin từ người nạn nhân bị tấn công trên không gian mạng để hạn chế các cuộc tấn công này?
+ Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ của mình để đảm bảo những quy định pháp luật đưa ra được thực thi. Tuy nhiên, cái khó khi xử lý là việc xác định được thiệt nạn của nạn nhân khi bị tấn công từ cư dân mạng. Đồng thời, đa phần những tấn công trên không gian mạng là những người nặc danh, ẩn danh vì thế khó khăn trong việc tìm người vi phạm.
Theo tôi, khi các cơ quan chức năng nhận được thông tin báo từ người bị tấn công và dù chưa thể xác định thiệt hại của nạn nhân thì cũng phải có động thái tiếp nhận thông tin và có phản hồi bằng cách ra thông báo tiếp nhận. Để người bị tấn công cơ sở phản hồi lại cộng động mạng rằng họ hoàn toàn không giống như thông tin đó mà cộng động mạng đang hiểu chưa đúng.
. Thông thường, những cuộc tấn công từ mạng xã hội cũng có những người tấn công chỉ theo số đông không vì mục đích nào khác. Vậy ông có lời khuyên nào đối với người dùng mạng xã hội để tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm?
+ Đối với những người dùng mạng xã hội và đặc biệt là những người nổi tiếng cần phải có sự am hiểu về các quy định pháp luật, am hiểu về những thông tin mình chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội tích cực. Cần cân nhắc để trước khi đưa những thông tin đó lên mạng xã hội để tránh sự có xung đột với nhau.
Hiện nay cũng có không ít người dùng mạng xã hội bị hạn chế về hiểu biết những quy định pháp luật nên cái gì cũng muốn đưa lên mạng xã hội. Chẳng hạn như họ chưa có sự tìm hiểu về những quy định cung cấp thông tin theo Luật An ninh mạng hoặc những quy định liên quan. Cứ thích là đưa, ban đầu nhìn thấy thì không sao nhưng về sau rất nguy hiểm. Từ đó, vô tình họ bị tấn công ngược trở lại và lại trở thành nạn nhân khác của những cuộc tấn công. Vì thế, khi đưa thông tin lên không gian mạng phải cân nhắc với những thông tin đưa lên và nên đưa những thông tin mang tính chất cộng đồng, thông tin tích cực thì sẽ được cộng đồng ủng hộ.
Những nạn nhân từng bị tấn công trên mạng xã hội
- Ngày 5-8-2023, một nhóm anti-fan tổ chức buổi họp với những băng rôn, khẩu hiệu và hình ảnh đòi hoa hậu Ý Nhi trả lại vương miện và tung lên mạng xã hội. Đây là một hành động vượt quá giới hạn từ những người tự cho mình cái quyền công kích, "dạy dỗ", lên án người khác, bất chấp các kiểu gây tổn thương đến tâm lý, tinh thần người khác.
- Trong trận thắng trước đội tuyển Malaysia thuộc khuôn khổ AFF Cup 2022, Đoàn Văn Hậu vấp phải những ý kiến trái chiều vì lối đá có phần thô bạo. Sau đó, cầu thủ này bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Không riêng Đoàn Văn Hậu bị cư dân mạng tấn công mà bạn gái anh - Doãn Hải My cũng bị vạ lây. Cụ thể, Doãn Hải My, thông tin trên mạng xã hội cho biết có nhiều người tràn vào trang cá nhân của cô để lại những bình luận mỉa mai, chê trách.
- Tháng 12-2022, hot girl Thiên An cũng nộp đơn tố cáo những cá nhân, tổ chức vu khống mình lên Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP.HCM (PA05) và Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM. Thiên An nói cô không muốn vướng vào ồn ào, chỉ tập trung kiếm tiền nuôi con. Tuy nhiên, vì bị làm phiền bởi những tin đồn vô căn cứ, đặc biệt là thông tin có quan hệ tình cảm với người đã có vợ khiến cô không khỏi bức xúc.
- Từ sau khi ca sĩ Phi Nhung qua đời, Mạnh Quỳnh vướng phải rất nhiều tin đồn thất thiệt khiến cuộc sống của anh bị ảnh hưởng. Trong đó có một số thông tin như Mạnh Quỳnh dọn nhà về ở gần với Wendy, Mạnh Quỳnh suy sụp đột quỵ, Mạnh Quỳnh gửi đơn kiện một số người tấn công ... Nam ca sĩ cho biết các YouTuber, TikToker thêu dệt thông tin, họ lấy hình ảnh của Mạnh Quỳnh cắt ghép rồi đưa thông tin thất thiệt khiến tên tuổi, uy tín của anh ảnh hưởng rất nhiều.
- Năm 2021, gia đình cố ca sĩ Vân Quang Long đã gửi đơn “kêu cứu” tới các ngành chức năng vì liên tục bị các YouTuber đeo bám, vu khống khiến cuộc sống họ bị đảo lộn. Theo đó, từ ngày Vân Quang Long mất, gia đình ca sĩ này chưa ngày nào sống yên ổn vì nhiều người tự xưng là YouTuber đến quay phim. Sau đó, họ đăng tải những đoạn clip xúc phạm, vu khống gia đình bà. Không thể chịu đựng mãi, gia đình bà gửi đơn cầu cứu đến Công an tỉnh Đồng Tháp.