Tại hội nghị về “Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp” do Sở Tư pháp TP.HCM vừa tổ chức, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP cho biết tình hình vi phạm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Theo sở này, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh biến tướng, tiềm ẩn tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự như: Hoạt động vui chơi giải trí quá giờ được phép; kinh doanh không có giấy phép, sử dụng tiếp viên nữ mặc trang phục khiêu dâm ngồi phục vụ khách hát karaoke tại nhà hàng ăn uống. Cùng với đó còn có tình trạng sử dụng việc mua dâm, bán dâm hoặc các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh; lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, thể thao trí tuệ bridge và poker để tổ chức gá bạc, đánh bạc…
Khó cưỡng chế xử phạt
Theo đại diện Sở Công Thương TP, các quy định XLVPHC giữa các văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp, gây khó khăn cho cơ quan xử lý. Ví dụ Nghị định 105/2017 của Chính phủ quy định về sản xuất rượu đã không còn bắt buộc thương nhân phân phối, bán rượu phải có năng lực tài chính đảm bảo cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường. Tuy nhiên, Nghị định 185/2013 (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 124/2015) vẫn tồn tại việc xử phạt hành vi này.
Đáng chú ý, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP cho biết: Hiện nay việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý thường áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền, kê biên tài sản nhưng gặp khó khi đối tượng bị cưỡng chế không cung cấp thông tin về tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không có tiền trong tài khoản. Kê biên tài sản thì không có tài khoản gì để kê biên vì trụ sở, trang thiết bị, phương tiện kinh doanh đều thuê, mượn.
Bên cạnh đó, người vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó để né tránh trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt. Nhiều doanh nghiệp sau khi bị xử phạt đã chấm dứt hoạt động, chủ sở hữu thành lập doanh nghiệp mới với cùng ngành nghề kinh doanh ngay tại địa chỉ cũ. Khi tổ chức thực hiện cưỡng chế thì đối tượng thông báo doanh nghiệp cũ đã không còn hoạt động...
Đồng tình, đại diện Sở Xây dựng TP cũng cho rằng việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản gặp rất nhiều khó khăn. Luật XLVPHC có quy định được khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng việc này quá khó vì không xác định được tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đại biểu đang nêu ý kiến tại hội nghị do sở Tư pháp TP.HCM tổ chức ngày 16-10. Ảnh: KP
Khó nộp phạt nhiều lần
Theo khoản 1 Điều 79 Luật XLVPHC thì một trong những điều kiện để được nộp phạt nhiều lần là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 200 triệu đồng trở lên đối với tổ chức. đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP, thực tế có nhiều trường hợp vi phạm là tổ chức có khó khăn, không thể đóng tiền phạt một lần và tự nguyện xin nộp phạt nhiều lần nhưng số tiền phạt ít hơn mức quy định (từ 100 triệu đến 200 triệu đồng) nên không được nộp phạt nhiều lần. Mặt khác, nhiều trường hợp đủ điều kiện nộp phạt nhiều lần về số tiền phạt (trên 200 triệu đồng) nhưng gặp khó khăn trong việc xác nhận của cơ quan thuế. Thực tiễn chưa thấy trường hợp nào được cơ quan thuế xác nhận là tổ chức có khó khăn đặc biệt về kinh tế. Vấn đề này ảnh hưởng đến tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt VPHC.
Theo đại diện Sở TN&MT TP, luật quy định doanh nghiệp bị xử phạt được quyền nộp phạt nhiều lần nếu đơn đề nghị được cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận. Tuy nhiên, với chức năng và nhiệm vụ của mình thì cơ quan thuế không có thẩm quyền xác nhận nội dung này. Vị này cho biết thêm từ năm 2013 đến nay, cơ quan này tiếp nhận rất nhiều đơn của doanh nghiệp nhưng do quy định bất cập nên đến nay chưa có trường hợp nào được giải quyết.
Khó chứng minh vi phạm hành chính Từ năm 2013 đến tháng 8-2018, Sở Văn hóa và Thể thao TP đã kiểm tra, xử phạt VPHC 4.900 vụ với tổng số tiền phạt là 71 tỉ đồng, số tiền thu phạt nộp hơn 42 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 60%). Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP, Luật XLVPHC quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không VPHC. Thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, chứng minh vi phạm với ngành nghề kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội, khó phát hiện quả tang… như kinh doanh karaoke không phép, biểu diễn nghệ thuật không phép, kinh doanh trò chơi điện tử có dấu hiệu đánh bạc, hoạt động khiêu dâm, sử dụng chất kích thích… Nguyên nhân là đối tượng dùng nhiều cách thức, thủ đoạn che giấu hành vi như bố trí nhiều lớp cửa với hệ thống báo động, cảnh giới từ xa; khóa cửa, đóng cửa nhưng thực chất bên trong vẫn đang hoạt động. Khi kiểm tra, phát hiện quả tang hành vi kích dục cho khách cũng khó lập biên bản xử lý về hành vi sử dụng các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh vì không chứng minh được có sự ăn chia “tiền bo” giữa nhân viên và chủ cơ sở kinh doanh... |