Bí thư Bình Thuận: Luân chuyển cán bộ không phải để 'tráng men'

Bí thư Bình Thuận: Luân chuyển cán bộ không phải để 'tráng men'

(PLO)- Luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn, vừa rèn luyện, bổ sung cho địa phương vừa là dịp đánh giá năng lực cán bộ.

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong đó có đề cập đến công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2023-2025.

Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Dương Văn An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận xung quanh công tác luân chuyển, điều động cán bộ của địa phương.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Diện cán bộ luân chuyển rất rộng

. Phóng viên: Bình Thuận có Kế hoạch số 171-KH/TU về việc luân chuyển cán bộ. Vậy cán bộ ở cấp nào sẽ được điều động, luân chuyển, thưa ông?

+ Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận: Mục đích của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU là để bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Điều này vừa tạo môi trường để cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, vừa tăng cường cho những địa phương, cơ quan, đơn vị có khó khăn về nhân sự, gắn với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương.

Đây cũng là bước chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ 2025 - 2030. Theo Kế hoạch 17, phạm vi điều động, luân chuyển cán bộ khá rộng, gồm từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác và giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.

Theo đó, sẽ điều động, luân chuyển về cấp huyện cán bộ lãnh đạo là cấp phó các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh trở lên, được quy hoạch chức vụ cao hơn nhưng chưa kinh qua chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp dưới; đó là luân chuyển từ trên xuống.

Ông Dương Văn An đang thuyết trình với Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án kè sông Cà Ty.

Ông Dương Văn An đang thuyết trình với Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án kè sông Cà Ty.

Cán bộ lãnh đạo ở cấp huyện cũng được điều động, luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh; đó là điều động, luân chuyển từ dưới lên. Cũng có điều động, luân chuyển “ngang” lãnh đạo từ địa phương này sang địa phương khác; sở, ngành này sang sở, ngành khác.

Nhằm tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện cán bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra cũng sẽ được điều động, luân chuyển về địa phương trong hệ thống ngành Kiểm tra Đảng.

Ngoài ra, để đào tạo cán bộ trong dài hạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có chủ trương luân chuyển các Trưởng phòng thuộc cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh để giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp huyện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Dương Văn An tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Dương Văn An tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.

Trước mắt, Bình Thuận ưu tiên điều động, luân chuyển cán bộ để kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý, tăng cường cán bộ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thiếu. .

. Thưa ông, với thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm, cán bộ luân chuyển có được bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang giữ hoặc chức vụ trước khi luân chuyển?

+ Mục tiêu của công tác luân chuyển là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ, giúp cán bộ có thêm kiến thức thực tiễn ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, tạo nguồn cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác, có thể đảm đương nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Việc bố trí công tác sau khi luân chuyển sẽ dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình điều động, luân chuyển, tình hình đội ngũ cán bộ và yêu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương để quyết định.

Ông Dương Văn An đang kiểm tra tiến độ một dự án dân sinh ở TP Phan Thiết.

Ông Dương Văn An đang kiểm tra tiến độ một dự án dân sinh ở TP Phan Thiết.

Nếu trong quá trình luân chuyển, cán bộ có quá trình rèn luyện tốt, thể hiện được năng lực công tác, mang lại kết quả tích cực cho cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cán bộ đó luân chuyển đến, thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cân nhắc, có thể bố trí vị trí công tác cao hơn để tiếp tục phát huy năng lực, sở trường.

Đối với cán bộ trong quá trình luân chuyển chưa thực sự nỗ lực, chưa có kết quả rõ nét, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu bố trí phù hợp, không nhất thiết bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang giữ hoặc chức vụ trước khi luân chuyển.

Tránh kết bè, kéo cánh

. Chủ trương của Đảng về việc bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp không phải là người địa phương và Bình Thuận thực hiện như thế nào, thưa ông?

+ Việc bố trí lãnh đạo không phải là người địa phương là một chủ trương của Đảng ta có từ nhiều chục năm trước. 500 năm trước cha ông ta cũng đã thực hiện chủ trương này. Đó là Luật “Hồi tỵ” (nghĩa là “tránh đi”).

Với quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa loạn”, nhà nước phong kiến đặt ra quy định quan lại không được làm việc ở quê hương mình.

Việc này là để tránh bị chi phối bởi các mối quan hệ thân thích, họ hàng cũng như ngăn ngừa lạm chức quyền, địa vị để kết bè, kéo cánh, hạn chế tham nhũng, quan liêu.

Việc Đảng ta có chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương (như bí thư cấp ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện) có nhiều điểm tích cực.

Ngoài mục đích như trên, còn góp phần chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Dương Văn An đang giới thiệu một dự án tại tỉnh Bình Thuận cho đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dương Văn An đang giới thiệu một dự án tại tỉnh Bình Thuận cho đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương thì sẽ không (hoặc ít) bị chi phối bởi quan hệ gia đình, họ hàng, lợi ích nhóm… mà việc này thường xảy ra trên lĩnh vực công tác cán bộ (đề bạt, bổ nhiệm) và lĩnh vực kinh tế.

Đồng thời, cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương sẽ có những yếu tố tích cực, như có cách nhìn, cách làm mới đối với công việc, muốn đóng góp vào sự phát triển của địa phương và tự khẳng định mình (nếu không muốn bị xem là luân chuyển đi cơ sở để “nhúng qua thực tiễn”, thiếu trình độ, năng lực, không hiểu biết về địa phương…), nên luôn nỗ lực, cố gắng để làm việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bí thư Dương Văn An thăm, tặng quà cho một gia đình chính sách.

Bí thư Dương Văn An thăm, tặng quà cho một gia đình chính sách.

Quan điểm của tỉnh ủy là cán bộ được luân chuyển phải cố gắng rèn luyện, cống hiến, hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được giao chứ không phải “nhúng” qua, “tráng men” thực tiễn...

. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Đã luân chuyển bảy lãnh đạo cấp sở về cấp huyện

Từ sau Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển bảy cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh giữ chức vụ Bí thư huyện ủy, không phải là người địa phương.

Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục thực hiện từ nay cho đến năm 2025, phấn đấu 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Qua theo dõi, các cán bộ luân chuyển đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sớm tiếp cận được công việc ở địa phương, phát huy được trình độ, năng lực, bản lĩnh công tác, là trung tâm đoàn kết, có uy tín cao trong tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy địa phương, thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao.

Việc điều động, luân chuyển cán bộ phải thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Cán bộ được điều động, luân chuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức danh đảm nhiệm và chấp hành quyết định điều động, luân chuyển của cấp có thẩm quyền".

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận DƯƠNG VĂN AN

.......................................................

Đề xuất trung ương miễn nhiệm một cán bộ chủ chốt cấp tỉnh

Từ ngày 1-10-2020 đến ngày 31-5-2023, Bình Thuận đã luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 98 lượt cán bộ giữ các chức danh, chức vụ thuộc diện Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Trong ba năm (2020-2022), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá, xếp loại chất lượng 272 lượt cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Căn cứ quy định về bố trí, xử lý cán bộ bị kỷ luật và đánh giá xếp loại chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất Trung ương đã miễn nhiệm chức vụ một cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã miễn nhiệm chức vụ một cán bộ chủ chốt cấp huyện theo thẩm quyền.

Bình Thuận cũng đã chuyển đổi vị trí công tác ba cán bộ là trưởng sở, ngành cấp tỉnh; không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và đưa ra khỏi quy hoạch chức danh cao hơn theo thời hạn quy định đối với các cán bộ bị kỷ luật hoặc bị xếp loại chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Đọc thêm