Bí thư Dương Văn An: Bình Thuận trở mình trước cơ hội lớn

Bí thư Dương Văn An: Bình Thuận trở mình trước cơ hội lớn

Thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 này, tỉnh Bình Thuận đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1992-2022). Từ một tỉnh nghèo đến nay Bình Thuận đã có những thành tựu, bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội và đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức để phát triển hơn thời gian tới.

BáoPháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận về vấn đề này.

. Phóng viên: Năm 1992, tỉnh Bình Thuận tái lập với xuất phát điểm nền kinh tế rất thấp nhưng đến nay đã có những bước phát triển rất đáng tự hào. Vậy Bình Thuận sẽ làm gì để phát triển hơn nữa với những tiềm năng sẵn có của mình, thưa ông?

+ Ông Dương Văn An: Những thành tựu mà Bình Thuận đạt được trong 30 năm qua là đáng trân trọng và tự hào. Những nền tảng mà các thế hệ đi trước tạo dựng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng bộ mặt đô thị, nông thôn, bồi dưỡng nguồn lực con người… đã và đang phát huy hiệu quả.

Đơn cử, năm 2021, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 69,58 triệu đồng, đứng thứ 20/63 tỉnh, TP trong cả nước, đứng thứ 2/14 tỉnh, TP vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ…

Tuy vậy, những thành tựu đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận đang có. Việc làm sao có thể tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng Bình Thuận giàu đẹp luôn là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Thời gian tới tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.

Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành năm nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Trước tiên tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào ba trụ cột kinh tế là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.

Bình Thuận sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông), dự án sân bay Phan Thiết.

Cùng với đó là tập trung đầu tư những công trình giao thông quan trọng để kết nối liên vùng như hoàn thành đường 719B từ Phan Thiết đến Kê Gà, đường Hòn Lan – Tân Hải, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành nối quốc lộ 1A với khu du lịch Tiến Thành, đường Tân Minh – Sơn Mỹ, đường Đông Hà – Gia Huynh…

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

. Là tỉnh kết nối với khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sắp tới cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành, Bình Thuận đứng trước một cơ hội rất lớn. Vậy tỉnh đã có kế hoạch gì để phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút các nhà đầu tư?

+ Bình Thuận sẽ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giải quyết đúng nhưng nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… nhằm tạo niềm tin và sự hài lòng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng đó là công khai, minh bạch trong lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để từ đó tạo ra sản phẩm đầu tư chất lượng tốt, hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng xác định việc giải phóng nguồn lực đất đai rất quan trọng. Bởi thời gian qua có nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề chồng lấn quy hoạch titan khiến hàng chục dự án trên địa bàn phải “bất động”.

Nằm ở vị trí “cửa ngõ” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2022 tỉnh sẽ khởi công xây dựng thêm Khu công nghiệp Sơn Mỹ I với quy mô 1.070 ha và Khu công nghiệp Tân Đức với quy mô 300 ha ở huyện Hàm Tân, đưa số khu công nghiệp lên tám khu với diện tích hơn 2.500 ha. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra một bước phát triển nhảy vọt của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp.

Ngành công nghiệp năng lượng nhất là năng lượng tái tạo cũng sẽ được đẩy mạnh. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, không gian biển để đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, sản xuất năng lượng Hydrozen.

Hiện đang có nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi có quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Bình Thuận như dự án Thăng Long Wind của tập đoàn Enterprize Energy (công suất 3.400MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỉ USD), dự án điện gió Tuy Phong của tập đoàn Orsted và T&T (công suất 4.600MW, tổng vốn đầu tư 15 tỉ USD), dự án điện gió AMI AC Bình Thuận của Công ty AMI AC Renewable (công suất 1.800MW, tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD)… Ngoài ra chuỗi dự án điện-khí Sơn Mỹ cũng đang được xúc tiến về thủ tục đầu tư.

Với 48 nhà máy sản xuất điện hiện có và các dự án triển khai trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng quan trọng của Việt Nam.

Cùng với năng lượng, tỉnh sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp; thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để bắt kịp xu thế.

. Ngoài là một trong ba ngư trường lớn nhất nước, việc Bình Thuận có “mặt tiền biển” gần 200 km cũng giúp du lịch phát triển mạnh tuy nhiên hiện mới tập trung ở TP Phan Thiết. Vậy sắp tới Bình Thuận sẽ làm gì với lợi thế “mặt tiền biển” này?

+ Một thời gian dài, du lịch Bình Thuận tập trung vào khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, phía Nam của TP Phan Thiết đến Kê Gà bị chững lại do vướng quy hoạch Cảng Kê Gà. Các khu vực còn lại như La Gi, Hàm Tân, Bắc Bình vừa vướng quy hoạch titan vừa thiếu đấu nối giao thông, ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi trồng thuỷ sản…

Để phát huy lợi thế “mặt tiền biển”, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ quy hoạch lại không gian ven biển để phát triển một cách bài bản hơn.

Trong đó đẩy mạnh những loại hình đang có sức hấp dẫn du khách như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão, du lịch mạo hiểm… Tỉnh cũng sẽ có những chương trình xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào tỉnh...

Tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa, tăng cường hợp tác liên kết vùng như tam giác du lịch Bình Thuận – TP.HCM - Lâm Đồng, vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Liên kết với các tuyến du lịch Xuyên Á, con đường di sản Miền Trung, con đường xanh Tây Nguyên, đồng thời phát triển thị trường du lịch quốc tế

Với các chính sách trên, hy vọng thời gian tới du lịch Bình Thuận sẽ phát triển bứt phá để sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

. Công viên sinh thái Phú Hài (Phan Thiết) là ý tưởng của ông nhằm biến khu vực nuôi tôm bỏ hoang thành khu sinh thái, vừa tạo cảnh quan vừa bảo vệ môi trường. Ông kỳ vọng gì về công viên này và bao giờ thì thành hiện thực?

+ Khu vực ngập mặn vốn là đất nuôi tôm, làm ruộng muối nhưng thời gian dài người dân không còn canh tác nên các loại cây sú, bần, cây mắm… phát triển mạnh, tạo thành khu rừng ngập mặn hiếm hoi còn “sót” lại trong lòng TP Phan Thiết. Nơi đây có nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn, nhiều loài thuỷ sinh sinh sống tạo nên hệ sinh thái ngập nước thú vị, là nơi hấp dẫn cho những nghệ sĩ đến săn ảnh.

Ban đầu tỉnh quy hoạch nơi này thành khu công viên xây xanh, thể thao, sau đó điều chỉnh làm hai khu vực gồm xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Nhà nước sẽ đấu giá quyền sử dụng đất với gần 10 ha xây dựng khu dân cư để lấy kinh phí đầu tư thực hiện khu vực công viên. Tuy nhiên, nếu phương án này triển khai thì sẽ mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi - điểm nhấn trong không gian đô thị, lá phổi xanh của TP.

Do đó từ cuối năm 2019, tôi đã đề nghị giữ lại toàn bộ khu này làm công viên sinh thái ngập mặn, tuy nhiên đến năm 2021 ý tưởng này mới được triển khai. Trên cơ sở đó, dự án xanh công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài được khởi động. Dự án cơ bản giữ lại hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời cải thiện môi trường nước, dòng chảy.

Dự án cũng gia tăng các điểm đấu nối khu vực vành đai, chống sạt lở cho các điểm xung yếu. Các hợp phần dự án gồm phát triển cây, cải tạo nước, làm lối đi bộ, một số hạng mục phục vụ tham quan, vui chơi, giải trí… Hiện đã xây dựng xong các phương án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới chúng tôi sẽ trình HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư. Khi được thông qua, sẽ lập dự án, lập dự toán và khởi công công trình.

. Tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng tháng 7 vừa qua, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh công tác xây dựng, chính đốn Đảng là một yêu cầu rất quan trọng. Với những sai phạm xảy ra ở Bình Thuận vừa qua, theo ông bài học lớn nhất về xây dựng, chính đốn Đảng cần rút ra là gì?

+ Ở mỗi giai đoạn, thời kỳ, việc vận dụng các cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư… để thúc đẩy sự phát triển của địa phương có lúc chủ quan, nóng vội, chưa bám sát các quy định dẫn đến vi phạm, sai phạm. Đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc để các cán bộ lãnh đạo đương nhiệm và trong tương lai rút ra cho bản thân.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy trong quá trình lãnh đạo, điều hành, trước tiên cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Cùng đó là tuân thủ thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi vị trí theo quy chế làm việc. Kịp thời rà soát, thay thế cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Và hơn hết người lãnh đạo phải đặt lợi ích chung lên đầu, dám nghĩ, dàm làm, dám chịu trách nhiệm; có sự cầu thị, tiếp thu, biết lắng nghe các luồng ý kiến, từ đó sớm khắc phục, điều chỉnh những sai sót nếu có.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm