Năm 2022 được dự báo có nhiều thách thức và cơ hội, tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các ngành, địa phương cần đúc kết những kinh nghiệm, cách làm hay nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để khôi phục, phát triển kinh tế.
Ngay từ đầu quý IV-2021, Đồng Tháp đã xác định ba mục tiêu là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế; từng bước thích ứng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống của người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến đầu tư trong tình hình mới... Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khái quát khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
. Phóng viên: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải kiểm soát tốt dịch bệnh và từng bước mở cửa an toàn, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp nào về vấn đề này, thưa ông?
+ Ông Phạm Thiện Nghĩa: Có thể nhận định việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch trong thời gian qua của Đồng Tháp đã đúng hướng, phù hợp với các mục tiêu mà tỉnh đề ra trong từng thời điểm cụ thể. Tuy tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng tỉnh vẫn tập trung, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Để khôi phục kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh đã thành lập Ban nghiên cứu đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp. Việc này nhằm phân tích, đánh giá, đưa ra định hướng, tầm nhìn chiến lược nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2021-2025).
Đồng Tháp cũng đã và đang triển khai thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Đồng thời phấn đấu và thực hiện tốt việc tiêm vaccine cho người dân. Tỉ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm chủng hai liều vaccine đạt gần 100%, đồng thời triển khai tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung, truyền thông mạnh về 5K để nâng cao ý thức phòng ngừa dịch COVID-19 cho người dân.
Đồng Tháp cũng khẩn trương triển khai đồng bộ 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết 78/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2022.
. Trong cuộc họp triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế của tỉnh, ông từng chỉ đạo: “Trên tinh thần phấn đấu đạt kết quả cao nhất, khi thực hiện vướng tới đâu thì cùng ngồi lại bàn cách gỡ, vì không có gì là không có giải pháp”. Vậy kết quả của phục hồi kinh tế tỉnh năm 2021 và 2022 mà địa phương mong đợi là gì, thưa ông?
+ Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của Đồng Tháp ước đạt 2,22%, tuy mức tăng trưởng này chỉ đứng thứ chín nhưng quy mô nền kinh tế đứng thứ sáu trong khu vực ĐBSCL và là mức khá so với cả nước.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,44 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020). Đây là kết quả từ sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh nhà.
Từ những thành quả của năm 2021 và dự báo những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, nhất là diễn biến của dịch COVID-19, Đồng Tháp xây dựng phương án tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 7,0%.
Đồng Tháp là một trong sáu tỉnh đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao trong khu vực ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung chỉ đạo, điều hành.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, song với sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, Đồng Tháp sẽ vững vàng cùng cả nước chuyển sang trạng thái mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và tin tưởng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra.
Quyết tâm này thể hiện rất rõ qua phương châm hành động năm 2022 của tỉnh là “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế/ Đất sen hồng vượt sóng vươn xa”.
. Đồng Tháp có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình nông nghiệp “thuận thiên”, kết nối theo chuỗi. Tỉnh đã duy trì và tiếp thêm động lực cho “trụ đỡ” này như thế nào, thưa ông?
+ Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hầu hết ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm thì nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ” đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,32% so với năm 2020.
Để duy trì và tiếp thêm động lực, gia cố “trụ đỡ” này, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, chuyển mạnh và toàn diện hơn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa tuân theo quy luật cung - cầu, vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, thương hiệu.
Chúng tôi cũng khuyến khích sản xuất theo quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến. Từ đó từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp không chỉ dựa vào cây lúa, chuyển đổi giống cây trồng có hiệu quả, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị.
. Đại dịch vừa qua, làn sóng người lao động trở về địa phương rất nhiều, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Vậy vấn đề an cư để người lao động không ly hương, tỉnh có kế hoạch gì, thưa ông?
+ Đồng Tháp rất quan tâm đến vấn đề tạo việc làm để người dân an cư, ổn định cuộc sống ngay tại địa phương. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạng lưới dạy nghề, phát triển các phong trào khởi nghiệp, phát triển làng nghề, đặc biệt là phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư để giải quyết lao động... Trong đợt dịch bệnh vừa qua, Đồng Tháp đón nhận hơn 74.000 công dân trở về địa phương.
Đến nay, có thể nói tỉnh đã giải quyết cơ bản đối với lực lượng này, xem đây là nguồn lực to lớn của tỉnh, tạo sức bật cho phát triển quê hương.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn kết với các doanh nghiệp, nhất là đào tạo theo đặt hàng, phát huy các sàn giới thiệu việc làm, phát triển sâu rộng chương trình đi làm thuê về làm chủ đối với lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, kết hợp phong trào khởi nghiệp, tự tạo việc làm… nhằm hạn chế người lao động di cư, phát huy nguồn lực phục vụ phát triển quê hương.
. Xin cám ơn ông.