Chia sẻ với PLO và báo chí về việc làm tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột -Nha Trang, ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, cho biết có thể nói Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên vẫn còn có những điểm nghẽn về việc thu hút khách, nhất là vấn đề về giao thông vận tải.
Sau khi về nhận nhiệm vụ ở Đắk Lắk, ông cùng với Ban Thường vụ tỉnh cũng đã nghiên cứu, xem xét, trên tinh thần là phải tập trung tháo gỡ từng điểm nghẽn, mà trước hết là tháo gỡ về giao thông.
Bí thư Đắk Lắk trình bày về vấn đề làm cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa với đoàn làm việc của PCT Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: H.TRƯỜNG
Theo ông Cường, trong lĩnh vực vận tải, có thể nói rẻ nhất là vận tải bằng đường thủy, thứ hai là đường bộ rồi sau đó đến đường sắt, đắt nhất là đường hàng không.
Trong khi Đắk Lắk hiện chỉ có đường hàng không và đường bộ. Đường bộ nối Đắk Lắk với Nha Trang được làm từ thời xa xưa. Do đó công nghệ vào thời điểm thiết kế rất khó khăn, phải đi qua các đường núi, xa và dài nên không thể di chuyển nhanh được.
Chính vì thế, Đắk Lắk đã nghiên cứu phóng tuyến. Nếu như đường bộ hiện nay di chuyển xe bốn chỗ mất đến 4 giờ đồng hồ, xe container phải mất 6-8 tiếng đồng hồ mới có thể từ Buôn Ma Thuột xuống Khánh Hòa.
“Qua tính toán sơ bộ, tuyến cao tốc từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang, điểm đầu là đường chánh đông Buôn Ma Thuột đến đường cao tốc Bắc-Nam của Khánh Hòa là 105 km. Nếu có tuyến cao tốc thì di chuyển chỉ mất một giờ đồng hồ, hoặc xe container chỉ mất hai tiếng. Tuyến cao tốc này tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho Đắk Lắk và các tỉnh, chính vì vậy Đắk Lắk đang tính toán, nghiên cứu đề xuất”, vị Bí thư nhận định.
Về vốn để làm tuyến cao tốc, ông Cường nói có thể là vừa sử dụng vốn ngân sách, vừa là nguồn PPP tức là đối tác công-tư, vừa bằng các hình thức khác để sớm nhất có con đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang.
“Con đường cao tốc này có thể nói là giải quyết căn bản điểm nghẽn cho Đắk Lắk cũng như cả Tây Nguyên. Hiện nay, chúng tôi đã làm việc với nhà tư vấn và họ đã thử phóng tuyến với ba hầm chui. Hầm dài nhất khoảng 1,7 km, hầm ngắn nhất là 0,7 km. Nghĩa là không có nhiều hầm, hầm khoảng 1,7 km thì cũng rất đơn giản.
Trên cả tuyến cao tốc như thế, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề các khu công nghiệp, khu dân cư, góp phần giải quyết thông thương, du lịch” - ông Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có đường cao tốc.
Hiện nay việc di chuyển từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa qua QL26 gặp nhiều khó khăn, xa xôi.
Ông Cường nói tiếp đơn giản như khi khách từ TP.HCM, Hà Nội hay khách quốc tế đến với Nha Trang là biển rồi, mà họ muốn lên rừng thì chỉ mất một tiếng đồng hồ đi lại, như vậy rất thuận lợi và khiến họ thích thú. Vì khi lên với Tây Nguyên, họ sẽ được tận hưởng rất nhiều lợi ích về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm…
Để đạt được điều đó, Đắk Lắk phải đẩy mạnh phát triển về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Sắp tới, Đắk Lắk sẽ có những đề án cụ thể về vấn đề phát triển du lịch.
“Qua khái toán sơ bộ thì khoảng 15.000 tỉ đồng nếu là đường cao tốc hạn chế với bốn làn xe, còn cao tốc sáu làn đường thì mất khoảng 19.000 tỉ đồng, ngoài ra khi thực hiện còn phải tính toán lại kỹ lưỡng” - Bí thư Cường nói.
Chiều hôm qua, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, ông Bùi Văn Cường cũng đã trình bày về việc mở cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa sẽ tạo tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch.
Bà Tòng Thị Phóng cho biết cá nhân bà đồng ý và sẽ báo cáo với Trung ương và sẽ có kết luận sớm nhất.