Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu nhân 110 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước

Sáng 5-6, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu và nhiều lãnh đạo khác.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết trong cuộc đời mình, Bác Hồ trải qua nhiều cuộc hành trình cả trong và ngoài nước nhưng Sài Gòn – TP.HCM là nơi ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc của Nguyễn Tất Thành -Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Bác đã dừng chân ở Bến Nhà Rồng – Sài Gòn để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang, củng cố tinh thần cho một chuyến đi vô cùng khó khăn, không kém phần mạo hiểm.

Theo ông Nên, từ lúc rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước đến khi trở về, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam.

“Bác thường nhắc Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi và trọn vẹn trong trái tim Người” – ông Nên nói và cho biết để đáp lại tình cảm ấy, người dân Sài Gòn với những tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng luôn trọn vẹn trong trái tim của người dân Nam Bộ và Sài Gòn –TP.HCM.

Khi Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đề nghị trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng, Bác khước từ và nói rằng để khi nào miền Nam giải phóng, nhân dân miền Nam sẽ trao vinh dự ấy cho Bác.

Câu nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” là minh chứng sống động nhất về tình yêu thương của Bác.

“Miền Nam là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về” – ông Nên nói và nhấn mạnh đến câu nói của Bác: “Có thể nói rằng ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và nếu gộp những nổi khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì đó chính là nổi khổ của tôi”.

Bí thư Thành ủy khẳng định: 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TP.HCM đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển; là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt.

“Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng ta luôn tin rằng với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân TP.HCM. Nhất định chúng ta sẽ chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển TP giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự TP mang tên Bác, để chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao, đó cũng là mong ước lớn lao của Bác” – ông Nên nói.

Với sự trân quý và ghi ơn công lao trời biển của Bác Hồ đối với Tổ quốc và dân tộc, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng TP trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo ông, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TP trong việc học tập và làm theo tấm gương của Bác.

“Chúng ta học ở Bác sự rèn luyện trí tuệ với tầm nhìn vượt thời gian và quyết tâm thực hiện bằng được con đường đã chọn, chúng ta học được Bác về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng quả cảm, đức hy sinh, sự bền bĩ trong lao động và tinh thần học tập suốt đời, luôn trăn trở, tìm tòi suy nghĩ, đổi mới tâm thế để vượt qua chính mình…” – ông Nên nói.

Đó còn là vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn cuộc sống; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc và chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, tương lai của TP.HCM với sức trẻ tài năng, thông minh, nhiệt huyết, sẽ không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, xây dựng hoài bão lớn, kiên trì trong học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của thành phố, của đất nước.

“Đó là cách để học Bác về bồi đắp lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống, thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên bằng trái tim, khối óc của mình để đóng góp xây dựng và phát triển TP, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong muốn” – ông Nên đúc kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới