Bị Tòa Tối cao ‘tuýt còi’ vì sửa chữa, bổ sung bản án sai

Theo đó, chánh án TAND Tối cao đề nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ này để xét xử lại từ đầu. Quyết định kháng nghị cũng yêu cầu tạm đình chỉ việc thi hành bản án phúc thẩm vụ này.

Tháng 5-2015, Công ty TNHH MTV In Trần Phú (nay là Công ty CP In Trần Phú) khởi kiện Công ty TNHH In ấn - Dịch vụ Đức Thịnh, yêu cầu bị đơn phải hoàn trả mặt bằng số 83 (số cũ 76) Thùy Vân, TP Vũng Tàu và trả tiền thuê nhà từ tháng 12-2013 đến khi xét xử là 1 tỉ đồng.

Tài sản có tranh chấp tại số 83, đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu

Công ty Đức Thịnh phản tố yêu cầu tuyên bố vô hiệu với hợp đồng thuê mặt bằng, tuyên bố vô hiệu với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa Công ty In Trần Phú và ông Trần Vũ Khôi…

Tháng 11-2016, TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của Công ty Trần Phú, chấp nhận các yêu cầu phản tố của Đức Thịnh, công ty này được quyền tiếp tục quản lý, khai thác tài sản trên đất cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đối với mảnh đất này.

Do nguyên đơn kháng cáo nên tháng 4-2017 TAND tỉnh xử phúc thẩm và tuyên sửa án sơ thẩm. Tòa này tuyên Công ty Đức Thịnh phải giao trả lại toàn bộ tài sản cố định gắn liền với đất và tạm giao cho Công ty Trần Phú quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất cùng một số nội dung khác.

Theo kháng nghị giám đốc thẩm, tòa án hai cấp công nhận toàn bộ tài sản cố định gắn liền với đất tại số 83 Thùy Vân thuộc sở hữu của Công ty Trần Phú là đúng. Tuy nhiên, hai cấp tòa không thẩm định tại chỗ, không thu thập chứng cứ, không liệt kê rõ các tài sản có thể tháo rời được để giao trả cho bị đơn khi giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu là vi phạm Điều 97 và Điều 101 BLTTDS, khiến bản án không thể thi hành được.

Tòa sơ thẩm quyết định tạm giao diện tích đất cho Công ty Đức Thịnh, tòa phúc thẩm tạm giao cho Công ty Trần Phú đều là không đúng, vì không thuộc thẩm quyền của tòa. Việc tiếp tục cho thuê hay thu hồi diện tích đất này phải do UBND tỉnh quyết định.

Ngoài ra, sau khi ban hành bản án, tòa phúc thẩm có quyết định sửa chữa, bổ sung bản án nhưng không đúng với nội dung biên bản nghị án. Việc bổ sung nội dung mới chưa được nhận định, nghị án, quyết định tại bản án và ghi nhận trong biên bản nghị án là vi phạm nghiêm trọng.

Mặt khác, quyết định sửa chữa đã làm thay đổi thực trạng tài sản có trên đất mà cơ quan thi hành án không thể thi hành đã ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Vì vậy, chánh án TAND Tối cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại từ đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới