Biến chủng mới của COVID-19 tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%

Sáng 23-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang xuất hiện tại Anh. Các nghiên cứu chứng minh loại biến chủng mới làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng này có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.

“Sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền nhưng không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng cho hay hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện biến chủng mới này. Hiện cả nước đang trong thời điểm cuối năm, vấn đề nhập cảnh trái phép ngày càng phức tạp, nguy cơ xâm nhập của COVID-19 rất cao. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt tỉnh vùng biên tăng cường ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Tránh để các ca xâm nhập mang theo virus nguy hiểm vào Việt Nam.

Nhắc lại ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam được phát hiện tại cơ sở y tế, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế quan tâm đầu tư năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Thời điểm này nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19, các cơ sở y tế phải xét nghiệm toàn bộ những trường hợp trên.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, chuẩn bị kế hoạch lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị, tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Cơ sở y tế phải đặt nhiệm vụ từ nay tới cuối năm cần đưa công tác phòng, chống dịch lên mức cao nhất.

Về vấn đề vaccine, ông Long cho biết thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine. Đến nay, Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Những tình nguyện viên thử nghiệm vaccine sức khỏe ổn định.

Ngoài ra công ty Nanogen sản xuất vaccine nói trên, 3 công ty khác cũng nghiên cứu phát triển vaccine. Cụ thể, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) có lộ trình thử nghiệm lầm sàng vào tháng 3-2021, thử nghiệm ở cả miền Bắc và miền Nam để bảo đảm đại diện cho toàn quốc. Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLIVAC) cũng đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với Trung Quốc, Nga để có vaccine.

"Bộ Y tế đang nỗ lực bảo đảm cơ chế, đàm phán với các công ty để sớm có vaccine cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không trông chờ hết vào vaccine mà phải triển khai quyết liệt phòng, chống COVID-19" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới