Chủ quyền biển đảo Việt Nam vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu của đông đảo người Việt trong và ngoài nước, càng trở nên nóng hổi trong những ngày gần đây với sự kiện tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên xông vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cắt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02.
Đông đảo dư luận Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng mạng, đã bày tỏ bất bình gay gắt đối với hành động ngang ngược trên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao độ với chính phủ trong phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết về vấn đề chủ quyền của ta trên biển Đông.
Lãnh đạo Báo điện tử VTC News tặng hoa, chúc mừng khách mời của buổi tọa đàm (Ảnh: Duy Thành)
Tuy nhiên, trong thời đại tri thức ngày nay, lòng yêu nước và nhiệt tình chỉ phát huy cao độ và có ý nghĩa thực chất khi gắn với một nền tảng hiểu biết đầy đủ, vững vàng về lịch sử và pháp luât quốc tế. Trong khi đó, biển Đông lại là một trong những khu vực có lịch sử và hiện trạng tranh chấp vào hàng phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.
Ban biên tập VTC News đã nhận được nhiều thư của độc giả bày tỏ trăn trở và mong muốn được giải đáp thêm nhiều khái niệm, quy định của luật pháp quốc tế trong vấn đề biển đảo; đặc biệt là vấn đề làm thế nào để biến ưu thế về lý lẽ và cơ sở pháp lý của ta trở thành sức mạnh thực tế, được sự thừa nhận của đông đảo cộng đồng quốc tế, tạo nên sức ép toàn diện trên bàn đàm phán song phương và đa phương cũng như với những động thái gây hấn của nước khác.
Đáp ứng nhu cầu hết sức chính đáng và đáng trân trọng đó của độc giả, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Biển Đông - những khía cạnh pháp lý."
Buổi tọa đàm là cơ hội để độc giả trong và ngoài nước chia sẻ với các chuyên gia hàng đầu về biển Đông của Việt Nam những khái niệm, vấn đề còn băn khoăn về luật pháp quốc tế, cũng như hiểu biết rõ hơn về cơ sở lịch sử và pháp lý không thể chối cãi của Việt Nam trên những vùng biển tuyên bố chủ quyền.
Thành phần khách mời:
1. PGS. TS NGUYỄN HỒNG THAO, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, tham gia với tư cách chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. PGS.TS NGUYỄN BÁ DIẾN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật biển và hàng hải quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. TS TRẦN TRƯỜNG THỦY, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao.
(*) Các khách mời tham gia trả lời với tư cách cá nhân - nhà nghiên cứu, không đại diện phát ngôn cho các cơ quan đơn vị.
Dưới đây là Nội dung buổi tọa đàm:
Đỗ Đình Thức (Nam - 35 tuổi): Chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc được không? Nếu tòa án quốc tế phán quyết xong mà một nước không chịu thi hành thì xử lý thế nào?
PGS TS Nguyễn Hồng Thao: Theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc 1945, điều khoản 33, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, đàm phán, trung gian hòa giải, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế: khi có tranh chấp đều có thể đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, nhưng phải dựa trên quy chế và dựa trên nguyên tắc là các quốc gia phải đồng ý đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
Ví dụ: Tòa án công lý quốc tế, các quốc gia có thể đưa dựa trên ba cơ sở như sau:
Các quốc gia ký thỏa thuận đồng ý đưa vấn đề ra tòa án quốc tế; Các quốc gia có thể tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của tòa; Trong các quốc gia có hiệp ước quy định, khi xảy ra tranh chấp thì đưa ra tòa án quốc tế.
Trong vấn đề này, hai nước mà đưa ra tòa án quốc tế thì phải có thỏa thuận với nhau, cả Việt Nam và Trung Quốc đều chưa đưa ra tuyên bố nào chấp nhận thẩm quyền của tòa cả, mặc dù đây là khả năng được quốc tế khuyến cáo, nhưng đây là điều khó xảy ra trong thời điểm này.
Nguyễn Viết Hòa (Nam - 38 tuổi): Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc và thắng kiện tại tòa án quốc tế về luật biển, tuy nhiên Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm không thi hành phán quyết. Cơ quan nào sẽ thi hành án của tòa? Nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liệu có thi hành nghị quyết như "cuộc chiến" Irắc, Libya...?
PGS TS Nguyễn Hồng Thao: Trong quy chế của tòa án quốc tế quy định rõ, thẩm quyền của tòa án quốc tế dựa trên sự thỏa thuận của quốc gia, các quốc gia yêu cầu giải quyết vấn đề nào, tòa án giải quyết vấn đề đó.
Phán quyết của tòa án quốc tế là phán quyết cuối cùng, các bên phải có nghĩa vụ thi hành, dựa trên thiện chí cam kết thực hiện các nguyên tắc quốc tế.
Trong trường hợp, một bên không chịu thực hiện phán quyết của tòa án quốc tế, bên kia có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an can thiệp.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao tại buổi tọa đàm (Ảnh: DT)
Lê Duy Hòa (Nam - 21 tuổi): Em thấy các bài báo hay đưa về luận chứng của Việt Nam đối với chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên lịch sử và tuân thủ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Nhưng hình như công ước này cho đến nay vẫn có nhiều điều chưa rõ ràng, mỗi nước áp dụng mỗi kiểu, gây tranh cãi. Em muốn được giải thích rõ hơn những ưu điểm và nhược điểm của việc vận dụng những điều luật trên khi đàm phán về biển đảo?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Đối với chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, việc giải quyết tranh chấp không chỉ dựa trên lịch sử mà dựa trên các bằng chứng pháp lý lịch sử và chúng ta cũng có đầy đủ những bằng chứng đó đưa ra tòa án quốc tế.
Công ước không giải quyết các vấn đề về tranh chấp chủ quyền mà chỉ giải quyết các vấn đề về phân định biển, quản lý biển, môi trường biển… công ước cũng đã trù liệu khi mà quốc gia chấp nhận một trong các hình thức tòa án công lý quốc tế, tòa án luật biển quốc tế, tòa án trọng tài, tòa án trọng tài đặc biệt… nhưng theo điều 298, khi chấp nhận các hình thức này, các quốc gia vẫn được quyền đưa ra tuyên bố không áp dụng cho vấn đề phân định biển, vấn đề nghề cá, danh nghĩa lịch sử.
PGS-TS Nguyễn Bá Diến (phải) tham gia tọa đàm
Công ước biển là thành quả của cộng đồng quốc tế sau 9 năm đàm phán, tuy nhiên đó là dựa trên sự thỏa thuận của các quốc gia. Công ước là cả gói, không chấp nhận các bảo lưu, có những điều khoản có lợi cho quốc gia này, bất lợi cho quốc gia khác, nhưng nhìn chung toàn cục có lợi thì các quốc gia mới phê chuẩn.
Chính vì thỏa thuận cả gói nên Công ước 1982 còn một số điều khoản chưa rõ ràng, ví dụ như Điều 121 quy chế các đảo, công ước có nói: các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở, hoặc không có đời sống kinh tế riêng… thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Các nước luôn sử dụng các luận điểm có lợi cho mình, theo các học giả quốc tế một cách khách quan thì hầu hết các đảo ở vùng Trường Sa không nên có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, nhưng một số nước thì cho rằng ngược lại.
Trường hợp Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta tính từ bờ biển có thể kéo dài đến 200 hải lý hoặc ngoài 200 hải lý phù hợp với các quy định của công ước.
Một số nước lại yêu sách vùng 200 hải lý tính từ các đảo đá ở Trường Sa, tạo ra tranh chấp, vì vậy chúng ta phải cương quyết đấu tranh làm sáng tỏ những điều khoản quy định của Công ước luật biển 1982, và tuyên truyền vận động cho người dân nước ta, nước bạn, cũng như cộng đồng quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Tôi đồng ý với phát biểu của PGS-TS Nguyễn Hồng Thao. Qua nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam có đầy đủ cơ sở khoa học để chứng minh chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa, bài bản hơn nữa. Từ đó, từng bước công bố cho người dân biết, để chúng ta có niềm tin vững chắc vào lẽ phải. Đồng thời công bố cho người dân quốc tế biết. Trong đó có những người dân Trung Quốc, người dân quốc tế hiểu. Vì nhiều người trong số đó vẫn chỉ dựa vào thông tin một chiều.
Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc khi tiến sâu vào lãnh hải được thế giới công nhận của Việt Nam. Thứ hai, Trung Quốc đã làm trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Vậy tại sao không thấy các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hay ASEAN lên tiếng về vụ việc này?
Theo Điều 94 khoản 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và từ vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam, thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật quốc tế, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Nhưng các tổ chức quốc tế chưa thấy lên tiếng vì nhiều lý do tế nhị.
Chúng ta đều biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có 5 thành viên, trong đó có Trung Quốc. Nên chúng ta thấy sức nặng chính trị thế nào? Không phải tất cả các nước ASEAN đều có chung lợi ích vấn đề biển Đông. Động thái hoạt động ngoại giao – quốc phòng của Trung Quốc, thông qua việc thăm viếng đi thăm các nước ASEAN đã thấy những động thái của nước bạn thế nào. Nên để có một phán quyết lên án hành vi đó thì rất khó.
Bùi Văn Nguyên (Nam – 35 tuổi): Trong vụ tàu Bình Minh 02, tôi được nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói Trung Quốc đang đánh lạc hướng dư luận, biến vùng biển không có tranh chấp thuộc chủ quyền của ta thành vùng biển tranh chấp. Xin cho hỏi, thế nào được gọi là vùng biển đang xảy ra tranh chấp? Nếu một quốc gia tự nhiên nhảy vào “nhận xằng” vùng biển vốn thuộc chủ quyền nước khác thì vùng biển đó có bị biến thành vùng đang có tranh chấp không?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Vùng tranh chấp là vùng chồng lấn (over lap) dựa trên cơ cở luật pháp quốc tế. Vùng biển mà tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam là hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không thể nói đấy là vùng biển tranh chấp được. Càng không thể nói đây là vùng biển của Trung Quốc như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói.
Nguyễn Trung (Nam - 25 tuổi): Gửi tiến sĩ Trần Trường Thủy: Thưa tiến sĩ, lâu nay tôi vẫn nghĩ các nhà nghiên cứu biển Đông của ta đang làm việc độc lập, giờ mới biết đến Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao, thật hết sức vui mừng. Xin tiến sĩ giới thiệu thêm về hoạt động của Trung tâm và cho biết những người bình thường như tôi có thể tham gia đóng góp gì cho hoạt động của Trung tâm không?
TS Trần Trường Thủy: Về lập trường của các nước ASEAN trong vấn đề biển Đông, tôi đồng ý với quan điểm của PGS-TS Nguyễn Bá Diến là các nước có lợi ích khác nhau.
Tuy nhiên, biển Đông bao gồm nhiều vấn đề ngoài các tranh chấp song phương, đa phương, còn là vấn đề hòa bình ổn định khu vực, thực thi đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên giữa Trung Quốc và ASEAN. Tùy lợi ích của các nước ASEAN trong từng vấn đề là khác nhau. Tuy nhiên, các nước ASEAN đều quan tâm đến hòa bình ổn định khu vực, tự do hàng hải, thực thi đầy đủ DOC và xây dựng DOC.
TS Trần Trường Thủy tại buổi tọa đàm
Thực ra thì từ trước đến giờ không phải các nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam hoạt động độc lập mà bản chất của việc nghiên cứu là cần phải trao đổi, hợp tác. Từ thời bác Lưu Văn Lợi là Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu về biển Đông, các công trình nghiên cứu của bác giờ vẫn là những tác phẩm kinh điển.
Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả, các cơ quan khác nữa. Tuy nhiên, một thời gian dài chủ đề biển Đông là vấn đề tương đối nhạy cảm nên công chúng chưa được biết đến nhiều.
Lê Ngọc Tấn (Nam – 20 tuổi): Thưa TS Trần Trường Thủy, em là một sinh viên năm thứ hai. Em mới được biết đến website nghiencuubiendong và rất khâm phục các cô chú, anh chị làm website. Nhưng thú thật là có nhiều bài viết, thuật ngữ em đọc không hiểu lắm, em cảm thấy rất xấu hổ về điều này. Liệu Trung tâm có thể mở lớp phổ cập những kiến thức cơ bản về biển Đông cho những sinh viên như em không ạ?
TS. Trần Trường Thủy: Mục tiêu ban đầu của website là phổ biến những bài nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu nên có nhiều thuật ngữ có thể chưa được đông đảo bạn đọc hiểu rõ. Chúng tôi đang cố gắng truyền tải những bài nghiên cứu dễ hiểu hơn, soạn thảo các tài liệu cơ bản, thuật ngữ về biển đông, về Hoàng Sa, và về Trường Sa.
Hiện tại, theo tôi được biết đang có chính sách đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức về vấn đề biển Đông trong các trường đại học, cao đẳng. Trung tâm sẵn sàng mở các lớp phổ biến kiến thức về vấn đề biển Đông.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Chúng ta không sợ một ai cả, khi chủ quyền chúng ta bị xâm phạm, chúng ta rất sẵn sàng, tuy nhiên dùng vũ lực và sức mạnh chỉ là biện pháp cuối cùng...
Lan Anh (Nữ - 54 tuổi): Tôi xin đặt hai câu hỏi: Đường lưỡi bò là gì? Dựa trên quy định nào mà Trung Quốc đưa ra khái niệm đường lưỡi bò? Các biện pháp Việt Nam có thể áp dụng để đối phó với việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam? (gửi công hàm, đệ đơn lên Liên Hợp Quốc, đàm phán song phương, đa phương?).
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Cuối năm 1946 - đầu năm 1947, Trung Hoa Dân quốc có đưa ra đoạn bản đồ là 11 đoạn sau còn rút 9 đoạn, của một doanh nghiệp tư nhân vẽ. Ngày 7-5-2009, Trung Quốc lần đầu tiên công khai bản đồ đường lưỡi bò kèm theo công hàm phản đối báo cáo của Việt Nam và Malaysia. Ngay ngày hôm sau, Việt Nam và Malaysia cùng gửi công hàm phản đối lại. Ngày 5-4-2011, Philippines cũng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối đường lưỡi bò. Ngay cả những nước không có tranh chấp như Indonesia cũng gửi công hàm phê phán sự vô lý của đường lưỡi bò này lên Liên Hợp Quốc. Theo tính toán của Trung Quốc, đường lưỡi bò có những đoạn cách Việt Nam có 50km và chiếm tới 75% – 80% diện tích biển Đông.
Lập luận của Trung Quốc cho rằng đây là một con đường lịch sử được quốc tế chấp nhận. Tuy nhiên đây là một con đường đứt đoạn, vẽ tùy ý, không có tính chất là con đường ranh giới. Năm 1958, khi lập danh sách vùng nước lịch sử, tại hội nghị lần 1 ở Giơnevơ, không có tên đường lười bò mà Trung Quốc yêu sách.
Khi thông qua vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1996, con đường này cũng mâu thuẫn với chính người Trung Quốc, khi trong biển Đông mà lại có cả vùng nước của luật pháp hiện đại như thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế nằm trong vùng nước lịch sử yêu sách của Trung Quốc, điều đó mà rất là mâu thuẫn.
Trung Quốc nói cộng đồng quốc tế đã chấp nhấn con đường này từ năm 1946, nhưng thực ra Trung Quốc chỉ chính thức đưa ra đường lưỡi bò này năm 2009 thì ngay lập tức Việt Nam, Malaisia, Philippines đã đưa ra công hàm phản đối, các hội nghị quốc tế thì các học giả cũng phê phán con đường đó, Trung Quốc và Đài Loan cũng giải thích khác nhau.
Nguyễn Văn Hải (Nam - 23 tuổi): Tôi luôn tin tưởng vào khả năng đàm phán mềm dẻo của nhà chức trách Việt Nam. Nhưng tôi vẫn thắc mắc là mềm dẻo quá thì liệu Trung Quốc có lấn tới không?
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Cả người Việt Nam và Trung Quốc đều có câu thành ngữ “mềm nắn rắn buông”, lịch sử đấu tranh giữ vững chủ quyền dân tộc của ông cha ta đã cho thấy, lúc nào chúng ta cần kiên quyết thì kiên quyết, mềm dẻo thì mềm dẻo.
Chúng ta không sợ một ai cả, khi chủ quyền chúng ta bị xâm phạm, chúng ta rất sẵn sàng, tuy nhiên dùng vũ lực và sức mạnh chỉ là biện pháp cuối cùng được tính đến.
Phan Anh Tú (Nam – 50 tuổi): Mới rồi tôi được nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc đến việc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông. Xin cho biết Tuyên bố này có giá trị pháp lý như thế nào, ràng buộc ra sao? Vì sao khi Trung Quốc vi phạm lại không phải chịu trách nhiệm gì?
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Năm 2002, Asean và Trung Quốc có ký tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông, trong tuyên bố này có đưa ra một số nguyên tắc như các bên kiềm chế không mở rộng chiếm đóng mới, không làm gì phức tạp thêm tình hình, các bên hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển. Tuy nhiên, đây chỉ là một văn bản chính trị, việc thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các bên.
Hiện nay, nhằm ổn định tình hình trên biển Đông, rất nhiều ý kiến, đề xuất cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của các bên COC, một văn bản pháp lý có tính ràng buộc. Tại cuộc họp cấp cao ASEAN vừa qua tại Jakarta cũng đặt ra mục tiêu kêu gọi các bên sớm đạt được COC vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm COC.
Thiện Trần (Nam - 20 tuổi): Xin hỏi hành động của Trung Quốc thật là ngang nhiên trắng trợn, vậy phản hồi của dư luận quốc tế về vấn đề này thế nào? Cho tôi hỏi trước phản ứng của ta thì bạn bè thế giới thái độ của họ như thế nào? Có bao nhiêu quốc gia ủng hộ chúng ta?
TS Trần Trường Thủy: Trong vụ tàu Bình Minh 02, về góc độ Việt Nam chúng ta đã phản ứng rất nhanh và công khai sự kiện trên nhiều nguồn khác nhau. Dư luận quốc tế cũng rất quan tâm. Đa số họ coi đây là một sự kiện nằm trong bước đi mang tính hệ thống của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đã công khai đường lưỡi bò. Trước sự việc này, Trung Quốc đã cản trở Philippines thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Cỏ Rồng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nhiều bình luận quốc tế đánh giá, Trung Quốc muốn thực thi đường lưỡi bò trên thực tế và rất nhiều dư luận đánh giá đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý. Còn nếu chiếu theo các điều khoản của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc, thì Trung Quốc đã vi phạm vì vị trí sự kiện xảy ra nằm trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo nhiều đánh giá, trong thời gian tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh bạo trên biển Đông. Do đó, cần thiết phải có một quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý để kiềm chế các hành động quá khích của các bên nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở biển Đông.
Nguyễn Thanh Hải (Nam – 30 tuổi): Thưa PGS Nguyễn Hồng Thao, tôi là một người quan tâm đến vấn đề biển Đông và hâm mộ các bài nghiên cứu của phó giáo sư đã lâu. Tuy nhiên, tôi có một ý kiến thắc mắc rằng các bài nghiên cứu công phu đó của phía ta có được dịch sang tiếng Anh để phổ biến cho quốc tế cùng biết hay không? Nếu làm chỉ để giữ trong nước đọc với nhau thì thật vô cùng đáng tiếc!
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Cảm ơn bạn đã dành sự quan tâm đến những bài nghiên cứu của tôi. Về công tác tuyên truyền này, chúng ta cũng đã quan tâm, về vật chất và kinh phí còn hạn hẹp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có những tác phẩm rất tốt dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp…
Ví dụ như các tác phẩm của Tiến sĩ Lê Thành Khê, Tiến sĩ Đặng Minh Thu ở Pháp, gần đây có bài nghiên cứu của anh Dương Danh Huy, rất là đáng mừng là các lực lượng trí thực học tập, nghiên cứu của nước ta ở nước ngoài càng ngày càng trưởng thành thêm.
Gần đây có nghiên cứu của anh Nguyễn Đăng Thắng viết bằng tiếng Anh, và anh cùng tôi đang hợp tác viết bài phản bác đường lưỡi bò trên tạp chí Ocean Fevelopment National. Chúng ta có chính nghĩa và những bài nghiên cứu sâu sắc nói rõ chính nghĩa của chúng ta, khác hẳn sự mập mờ của các học giả Trung Quốc.
Chúng tôi viết bằng tấm lòng yêu nước, ngoài việc viết tiếng Việt còn cố gắng viết tiếng Anh, tiếng Pháp, phổ biến chính nghĩa của nước ta ra cộng đồng quốc tế.
Riêng bài nghiên cứu của tôi đã được giải thưởng ở khu vực châu Á, rõ ràng là cộng đồng quốc tế thừa nhận chúng ta, cái đó thì Trung Quốc chưa có. Chúng ta phải đầu tư hơn nữa để có nhiều tác phẩm tốt hơn, sâu sắc hơn làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của chúng ta, cho cộng đồng quốc tế hiểu.
Hoàng Vân (Nữ - 21 tuổi): Em là một sinh viên ĐH Luật Hà Nội, được biết trong Hội thảo Quốc gia về biển Đông lần 2, các đại biểu đã bàn đến việc có hơi ít luận văn, luận án làm về biển Đông. Tại sao chúng ta không lập một quỹ học bổng dành hỗ trợ cho những sinh viên, nghiên cứu sinh làm nghiên cứu về lĩnh vực này?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Tôi năm nay đã 33 năm giảng dạy. Chúng tôi có Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế. Đã và đang thực hiện đề tài cấp Nhà nước về biển đảo. Cùng với Khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội đã đào tạo được khoảng 15 thạc sĩ, hiện nay đang đào tạo 2 tiến sĩ về luật biển. Tuy nhiên, so với nhu cầu của đất nước, cũng như so với các nước xung quanh như Trung Quốc thì số đó là rất ít. So với Trung Quốc có hàng trăm luận án tiến sĩ về chủ quyền biển đảo, nhà nước cấp kinh phí. Còn chúng ta chưa có chính sách này.
Nhà báo Ngô Hải: Nhận xét của các độc giả về việc thông tin, truyền thông về chủ quyền lãnh thổ hiện nay?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Về thông tin truyền thông, trên 700 tờ báo Trung Quốc đăng sai sự thật về biển Đông. Ta thì không học cách tuyên truyền như thế. Nhưng ta phải công khai, minh bạch thông tin để dân biết, dân bàn. Chúng ta có 86 triệu người dân là 86 triệu người lính.
Chúng ta kêu gọi tình đoàn kết quốc tế nhưng chúng ta cũng nên kêu gọi lòng yêu nước. Chúng ta không nên hạn chế thông tin. Chúng ta hơi nhu mì. Một dân tộc sợ chiến tranh thì không có hòa bình. Quyết tâm như vậy chúng ta mới giữ được hòa bình, chủ quyền.
Hoàng Khánh Sinh (Nam – 30 tuổi): Thưa PGS Nguyễn Bá Diến, được biết ông là một chuyên gia kỳ cựu về biển Đông, xin ông cung cập một số thông tin tổng quát để bạn đọc cả nước nắm rõ, bao gồm: 1/ Cơ sở pháp lý của việc phân định trên biển (các công ước hiện hành, các quy định về yếu tố lịch sử, cách hiểu các quy định ở các công ước...); 2/ Căn cứ theo công ước này thì Việt Nam sẽ có lãnh thổ biển như thế nào?; 3/ Các ký kết song phương/đa phương về hợp tác trên biển?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Một dân tộc sợ chiến tranh thì không có hòa bình. Quyết tâm như vậy chúng ta mới giữ được hòa bình, chủ quyền...
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Cơ sở pháp lý thứ nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật biển năm 1982, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, phán quyết của tòa án quốc tế, quan điểm của các nhà luật quốc tế nổi tiếng, luật pháp của các quốc gia, ví dụ: Luật Biên giới Quốc gia năm 2003 của Việt Nam, Tuyên bố về Đường Cơ sở ngày 12/11/1982 của Chính phủ Việt Nam…
Lãnh thổ biển của Việt Nam gồm vùng nước nội thủy, vùng nước lãnh hải, vùng nước lịch sử. Ngoài ra, chúng ta còn có các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, như vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…
Nguyễn Hoài Nam (Nam – 20 tuổi): Cháu muốn hỏi vị trí của truyền thông, truyền hình phát thanh, báo chí và các mạng xã hội trong kế hoạch bảo vệ tổ quốc của nhà nước? Và sự định hướng cho suy nghĩ của nhân dân, nhất là giới trẻ về những câu chuyện đang diễn ra. Cháu nghĩ chúng có sự liên quan đến vì đôi khi nếu không có sự quản lý và ứng xử khéo léo của những người đứng đầu dễ dẫn tới kích động không cần thiết gây ra những hậu quả không lường?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Vị trí của thông tin tuyên truyền đặc biệt quan trọng, là "quyền lực thứ tư". Báo chí có chức năng định hướng dư luận. Đặc biệt là báo điện tử có sức lan tỏa lớn, nên hiệu ứng rất lớn. Để góp phần định hướng giới trẻ, hun đúc giới trẻ hoài bão, quyết tâm, sẵn sàng trong trường hợp đất nước lâm nguy… chức năng của truyền thông rất lớn. Có lẽ Đảng và Nhà nước cần quan tâm, đầu tư, định hướng.
TS Trần Trường Thủy: Tôi thấy là truyền thông báo chí của chúng ta dưới góc độ tuyên truyền trong nước thời gian vừa qua đã làm rất tốt. Ví dụ gần nhất là vụ tàu Bình Minh 02 vừa rồi thì gần như đồng loạt báo chí đưa tin, cung cấp thông tin, bình luận cho bạn đọc.
Tuy nhiên, tôi thấy có một vấn đề là để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam thì thông tin đối ngoại là rất quan trọng. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa, ví dụ như có nhiều báo chí, trang web tiếng Anh và tiếng Trung…để độc giả nước ngoài hiểu sâu hơn nữa về vấn đề này chứ không chỉ là người Việt Nam, nhằm thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Bich Lieu (Nữ - 24): Chúng ta có nên lập ra những trang web và diễn đàn kêu gọi đồng bào trong nước và thế giới ủng hộ? Những ngày qua, quần chúng nhân dân vô cùng phẫn nộ về hành động của Trung Quốc, vậy các chuyên gia có lời khuyên như thế nào để tránh những hành động tự phát quá khích xảy ra? Là con dân đất Việt tôi sẵn sàng góp sức mình vì hòa bình của tổ quốc. Qua đây cho em gửi tới các chiến sỹ hải quân những tình cảm tốt đẹp nhất: Các anh mãi là hình tượng vĩ đại của dân tộc, là những người chiến sỹ bất diệt trong lòng của chúng em.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Mọi người có thể thể hiện lòng yêu nước trên cơ sở luật pháp Việt Nam.
TS Trần Trường Thủy: Hiện tại chúng ta có một số trang web giới thiệu về vấn đề biển Đông cũng như cơ sở pháp lý, lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới góc độ nhà nước chúng ta có website của Ủy ban Biên giới quốc gia: biengioilanhtho.gov.vn. Dưới góc độ kênh học giả chúng tôi có website: nghiencuubiendong.vn.
Ngoài ra còn có một số website khác cung cấp thông tin và đánh giá về vấn đề biển Đông. Theo tôi càng có nhiều trang tin phổ biến về vấn đề này càng tốt. Còn với câu hỏi thứ hai, theo tôi chúng ta cần phải “trái tim nóng nhưng cái đầu lạnh” và tôi nghĩ là không nên có những hành động quá khích mà cần phải tin tưởng vào chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan trong những chính sách, các bước đi, các biện pháp đối phó với các hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích của ta ở biển Đông.
Mọi người có thể thể hiện lòng yêu nước trên cơ sở luật pháp Việt Nam.
Theo VTC News