Đề án có thể sớm được thông qua trong thời gian tới. Vậy cụ thể lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị những gì và thẩm quyền tới đâu? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) (ảnh), về những nội dung này.
Hỗ trợ ngư dân, bảo vệ chủ quyền trên biển
. Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng kiểm ngư nếu được Thủ tướng đồng ý phê duyệt là gì, thưa ông?
+ Lực lượng kiểm ngư Việt Nam được tổ chức và hoạt động thống nhất trong toàn quốc, được đầu tư trang bị đủ mạnh; là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trong vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư được thay mặt Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam hoặc các vùng biển mà Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định, công ước về nghề cá với các quốc gia khác; điều tra các vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có yếu tố cấu thành tội phạm; được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
. Tại sao khi soạn thảo Luật Thủy sản trước đây chúng ta không đưa ra mô hình kiểm ngư mà để tới bây giờ?
+ Đúng là khi xây dựng Luật Thủy sản, ban soạn thảo cũng đã cân nhắc giữa hai cụm từ “Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản” và “Kiểm ngư”. Tuy nhiên, với đặc điểm tình hình lúc đó, chúng ta đã chọn sử dụng từ thanh tra thủy sản và lực lượng này chỉ tham gia hoạt động kiểm tra ven bờ và kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam là chính.
Có lực lượng kiểm ngư, ngư dân sẽ được đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản. Ảnh : CTV
Hiện nay, vấn đề tranh chấp vùng khai thác trên biển diễn biến phức tạp hơn. Tôi tin lực lượng kiểm ngư ra đời sẽ là một bước ngoặt để củng cố và tăng cường sức mạnh giám sát, ngăn chặn hoạt động xâm phạm và khai thác hải sản trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta.
. Bộ máy tổ chức của lực lượng kiểm ngư sẽ như thế nào?
+ Cục Kiểm ngư được thành lập sẽ là một đơn vị độc lập trực thuộc Tổng cục Thủy sản; Chi cục Kiểm ngư các tỉnh, thành sẽ trực thuộc sở NN&PTNT các địa phương. Có bốn kiểm ngư vùng là Vùng Bắc Bộ (Vùng I), Vùng Trung Bộ (Vùng II); Vùng Đông Nam Bộ (Vùng III) và Vùng Tây Nam Bộ (Vùng IV).
Đảm bảo không chồng chéo
. Lực lượng kiểm ngư sẽ được đầu tư cụ thể ra sao?
+ Dự kiến mỗi cơ quan kiểm ngư vùng sẽ có một tàu kiểm ngư công suất từ 2.000 CV trở lên, được trang bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9 và hoạt động dài ngày trên biển (riêng cơ quan Kiểm ngư Vùng II được trang bị hai tàu). Ngoài ra còn có các trang thiết bị vô tuyến, định vị vệ tinh (GPS), INMARSAT; trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; các trang thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại...
. Nhiều người lo ngại bên cạnh các lực lượng như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân…, lực lượng kiểm ngư ra đời sẽ tạo nên sự chồng chéo trong quản lý và phối hợp?
+ Hiện tại đề án đang chờ Chính phủ phê duyệt, có thể sẽ có một vài nội dung được cân nhắc, chỉnh sửa cho hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng những nội dung đưa ra trong đề án đều đã được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến từ nhiều bộ, ngành và dựa trên thực tế hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản. Đây là lực lượng được tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương, nếu đưa vào hoạt động thì sẽ giống như lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.
Do đó, sẽ không có tình trạng chồng chéo giữa các lực lượng trên biển.
. Xin cám ơn ông.
Đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng Ông Chu Tiến Vĩnh cho biết trước mắt, các dự án đầu tư trang thiết bị được ưu tiên và cấp kinh phí bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo và Phát triển lực lượng kiểm ngư với kinh phí 50,5 tỉ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng các cơ quan kiểm ngư vùng (trước mắt ưu tiên xây dựng tại Vùng I và Vùng II). Dự án đóng mới đội tàu kiểm ngư trung ương là 700 tỉ đồng. Dự án đóng mới đội tàu kiểm ngư loại I cho một số địa phương trọng điểm gồm 18 tàu công suất 1.000 CV/tàu (315 tỉ đồng). Các dự án đóng mới tàu kiểm ngư loại II cho các chi cục địa phương gồm 31 tàu công suất 600 CV/tàu (263,5 tỉ đồng). |
TRÀ PHƯƠNG thực hiện