Biên nhận tiền thành hợp đồng vay nợ

Mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND thị xã Hồng Ngự và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với vụ ông Nguyễn Văn Sanh kiện đòi tiền ông Nguyễn Văn Vụ do đã hết thời hiệu khởi kiện. Tuy đã đình chỉ nhưng vụ kiện gợi lên một kinh nghiệm pháp lý rất đáng lưu tâm trong quan hệ giao dịch dân sự hằng ngày.

Bên bảo cho vay, bên nói lấy nợ

Tháng 3-2012, ông Sanh kiện đòi ông Vụ hơn 200 triệu đồng vì cho rằng đây là số tiền gốc và lãi mà ông đứng ra vay giùm cho ông Vụ. Ông Sanh trình bày: “Ông Vụ là giám đốc công ty xây dựng. Năm 2005, ông làm công trình đường nông thôn ở xã Long Khánh A (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) có để máy móc, thiết bị và nghỉ ngơi tại nhà tôi. Ông Vụ đã năm lần nhờ tôi vay giùm tiền, tổng cộng 79,5 triệu đồng, hẹn miệng ba tháng sau sẽ trả gốc và lãi”.

Chứng cứ duy nhất mà ông Sanh cung cấp cho tòa là giấy nhận tiền ghi “ngày…, chú Ba (ông Vụ - PV) có nhận số tiền là…”, sau đó ông Vụ ký và không ghi họ tên.

Biên nhận tiền thành hợp đồng vay nợ ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Vụ (trái)và ông Nguyễn Văn Sanh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: PL

Phản bác, ông Vụ cho rằng ông không vay đồng nào từ ông Sanh. Ông nói: “Trong thời gian ở nhà ông Sanh, tôi có cho ông Sanh mượn tiền rồi ông Sanh trả lại. Cũng có khi tôi gửi tiền cho ông Sanh giữ giùm hoặc tiền của khách hàng gửi cho tôi qua ông Sanh rồi tôi nhận lại. Một số lần nhận lại như thế tôi có ghi ký nhận kiểu “đã nhận tiền”. Đầu năm 2012, ông Sanh có va chạm với tôi nên có lẽ từ đó ông đâm ra kiện tôi...”.

Không chứng minh được thì thua kiện (!?)

Ông Vụ xác định chữ ký trên chứng cứ nhận tiền là của mình nhưng chỉ để nhận lại tiền chứ không phải vay mượn gì. “Tất cả giao dịch làm ăn, khi tôi giao tiền thì người nhận tiền cũng đều ký nhận như vậy. Chẳng lẽ tôi lại vin vào mấy tờ giấy ký nhận này để cho rằng họ vay mượn mình rồi kiện đòi?” - ông Vụ nói.

Tuy nhiên, xử vụ này, TAND thị xã Hồng Ngự nhận định: Ông Vụ thừa nhận chữ ký trên giấy nhận tiền chính là chữ ký của ông, đồng thời ông không chứng minh được việc ký nhận đó không phải là việc ông ký mượn tiền. Từ đó, tòa lập luận: Nếu như ông nhận tiền của ông Sanh theo những lý do mà ông trình bày thì trong giấy nhận tiền phải ghi rõ là nhận lại số tiền đó với nội dung gì. Ngoài ra, tuy ông Vụ ký nhận tiền từ năm 2005 nhưng trong nội dung nhận tiền không quy định thời gian phải trả nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Từ đó, tòa tuyên buộc ông Vụ phải trả lại số tiền đã nhận cộng với lãi suất.

Nợ nần gì mà bảy năm không rớ đến?

Ông Vụ đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông bức xúc: “Không ai cho vay trong suốt bảy năm mà không hề đòi lại tiền cho vay kể cả gốc lẫn lãi. Các con và chính bản thân ông Sanh đều trở thành người làm công cho công ty tôi. Ông Sanh phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp chứ tại sao bắt tôi chứng minh?”.

Với lập luận này, tại tòa phúc thẩm, ông Vụ trình bày: “Thực tế các biên nhận tiền mà ông Sanh cung cấp không chứng minh được quan hệ vay mượn. Đó chỉ là một biên nhận nhận tiền, không thể căn cứ vào biên nhận này để cho rằng tôi có vay mượn tiền từ ông Sanh. Cho dù có chữ ký của tôi thì cũng không thể hiện được ý chí của các bên là có sự việc vay mượn tiền và các thỏa thuận khác về lãi suất, thời gian trả nợ, mục đích vay…”.

Ngoài ra, ông Vụ cho rằng: “Theo lời khai của nguyên đơn thì khi mượn, tôi hẹn trong ba tháng sẽ trả. Ngày mượn cuối cùng là ngày 19-8-2005. Như vậy, đến hết ngày 19-11-2005 là ngày vi phạm cam kết trả nợ. Thời hiệu khởi kiện là hai năm, tức đến hết ngày 20-11-2007. Thế nhưng đến ngày 12-3-2012, nghĩa là đến năm năm sau thì ông Sanh mới khởi kiện”.

Sau khi xem xét, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định thời hiệu khởi kiện đã hết nên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Tiền lệ quá nguy hiểm!

Theo tôi, nếu chấp nhận các giấy nhận tiền nêu trên trở thành hợp đồng vay tài sản thì quá nguy hiểm cho các giao dịch dân sự khác.

Thực tế, trong các giao dịch dân sự hằng ngày, người trả tiền thường yêu cầu người nhận viết cho mình một biên nhận. Các giấy nhận tiền không thể hiện được việc hai bên có cho nhau vay mượn tiền, không có tiêu đề và không thể hiện được những yêu cầu cơ bản nhất của một hợp đồng cho vay như bên vay, bên cho vay, lãi suất, phương thức thanh toán, mục đích vay, thời hạn trả nợ… Nó lại càng không thể hiện được ý chí của hai bên về việc có vay mượn tiền xảy ra.

Nguyên đơn kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng vay tài sản nhưng các chứng cứ cung cấp không thể hiện được đây là một hợp đồng vay. Do vậy, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh mối quan hệ với bị đơn là quan hệ vay mượn. Nếu không chứng minh được thì không có cơ sở để tòa xem xét.

Ở đây tòa sơ thẩm nhận định ông Vụ có ký tên vào các biên nhận tiền mà ông Sanh cất giữ và ông Vụ không chứng minh được là ông không vay mượn tiền của ông Sanh nên buộc ông Vụ phải trả tiền cho ông Sanh là chưa đúng với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về chứng cứ và chứng minh.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG (Đoàn Luật sư TP.HCM)

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm