Kinh nghiệm pháp lý

Thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

Tháng 6-2013, vợ chồng anh chị ra tòa thuận tình ly hôn và thỏa thuận giao con cho chồng trực tiếp nuôi dưỡng, chị không cần cấp dưỡng nhưng được lui tới thăm nom. Theo thỏa thuận, chị sẽ chăm sóc con từ thứ Hai đến thứ Năm trong tuần, những ngày còn lại là anh. Nhưng thực tế anh chỉ cho chị đến thăm và đưa con về nhà ngày Chủ nhật. Sau đó, gia đình bên nội ngăn cản không cho chị thăm con nên chị khởi kiện ra TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) để yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.

Xử sơ thẩm, tòa Bình Chánh đã chấp nhận yêu cầu của chị. Nhưng rồi anh kháng cáo, cho rằng điều kiện, môi trường sống bên nhà chị phức tạp, không tốt cho sự phát triển của con. Tòa phúc thẩm nhận định kháng cáo của anh D. không có căn cứ và do điều kiện chăm sóc hai bên như nhau trong khi cháu bé còn nhỏ nên tòa giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

KINH NGHIỆM:

Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình:

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Và Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”.

Như vậy, khi thấy vợ hay chồng - người trực tiếp đang nuôi con sau ly hôn không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con thì bên còn lại có thể yêu cầu tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trường hợp con đã từ đủ chín tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn cần phải xem xét đến nguyện vọng của bé.

Khoản 3 Điều 27, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự: Để thực hiện quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, người có yêu cầu gửi hồ sơ tới TAND cấp huyện nơi vợ hay chồng cũ cư trú để được giải quyết. Theo luật, thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ, tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đang cư trú, làm việc, có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Vì vậy, người nộp lên tòa án nơi bị đơn cư trú. Tuy nhiên, cũng có thể yêu cầu lại tòa án nơi người nộp đơn cư trú xem xét giải quyết vụ việc nếu hai vợ chồng đã thỏa thuận.

Hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; bản án ly hôn; sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực); giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực); các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

Việc thay đổi người nuôi con sau ly hôn còn cần phải xem xét đến ý kiến, nguyện vọng của con (nếu con từ chín tuổi trở lên).

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm