Điều 64 Bộ luật Hình sự quy định những người sau đây đương nhiên được xóa án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến 15 năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm.
Điều 65 Bộ luật Hình sự quy định về việc xóa án tích theo quyết định của tòa án. Và cách tính thời hạn để xóa án tích được quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự:
“1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 64 và Điều 65 của bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Nếu chưa được xóa án tích mà phạm tội mới thì thời hạn để xóa án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.
3. Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.
4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt”.
Như vậy, thời hạn để xóa án tích là căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Nếu chưa được xóa án tích mà phạm tội mới thì thời hạn để xóa án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới. Việc chấp hành xong bản án bao gồm cả việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của tòa án. Người được xóa án tích được coi như chưa từng bị kết án. Người đó cần nộp đơn yêu cầu tại tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh (nơi đã kết án) yêu cầu cấp giấy chứng nhận cho mình. Khi đã được chứng nhận xóa án tích thì trong lý lịch tư pháp ghi chưa từng bị kết án bao giờ.
HOÀNG YẾN