Biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai: Muốn giữ lại phải làm sao?

(PLO)- Ngôi biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh tròn 100 tuổi bên bờ sông Đồng Nai được xây dựng có kiến trúc độc đáo nhưng nằm trong dự án làm đường nên nhiều khả năng phải bị phá bỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toàn cảnh bên ngoài của ngôi biệt thự 100 năm tuổi có nguy cơ bị phá bỏ bên sông Đồng Nai.

Ngôi biệt thự cổ 100 tuổi

Biệt thự trên được ông Võ Hà Thanh sinh năm 1876 là chủ đồn điền lớn của xứ Biên Hòa lúc bấy giờ và trở thành Đốc phủ sứ. Ông cho xây dựng ngôi nhà vào năm 1922 và sau 2 năm thì hoàn thành với kiến trúc kiểu Pháp cùng nhiều vật liệu được đưa từ Pháp qua.

Biệt thự có mặt hướng sông Đồng Nai cách sông khoảng gần 30m, lưng tựa vào núi Bình Điện, thuộc (phường Bửu Long TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1996, ngôi nhà này được chọn làm bối cảnh chính để quay bộ phim Người đẹp Tây Đô. Hiện tại các cháu chắt của ông Võ Hà Thanh đang sống trong ngôi biệt thự.

biệt thự cổ 13.jpg
Ngôi biệt thự cổ 100 tuổi bên bờ sông Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI

Trước đây, khu vực chưa bị giải toả để làm đường ven sông Đồng Nai thì quanh đây cây cối um tùm che phủ nên ít người biết tới ngôi biệt thự cổ này. Nhưng từ khi dự án đường ven sông Đồng Nai, giải toả mặt bằng cây cối chặt bỏ, bức tường xung quanh cũng phá bỏ còn ngôi biệt thự mới lộ ra trở nên nguy nga, cổ kính với kiểu kiến trúc Pháp.

Vì vậy khi hay tin ngôi biệt thự 100 tuổi bị phá bỏ để làm đường, nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa lịch sử, người dân...bày tỏ tiếc nuối.

Theo bà Đặng Thị Linh Phương (52 tuổi), chắt của Đô phủ Võ Hà Thành và cũng là người trong coi căn nhà cho biết rất mong muốn cơ quan chức năng cho gia đình được giữ lại ngôi nhà này vì đây là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên từ thời xưa đến giờ, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ của gia đình.

Nhà nước nên mua để bảo tồn

Ngày 25- 9, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Hồng Ân - Phó giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh tỉnh Đồng Nai, cho hay sở mong muốn giữ lại ngôi biệt thự Đốc phủ Võ Hà Thanh. Tuy nhiên, để làm được việc này thì UBND tỉnh nên mua lại ngôi biệt thự 100 tuổi này rồi giao cho cơ quan quản lý làm công tác bảo tồn.

“Vì ngôi biệt thự nằm trên dự án giải toả, thay vì phá bỏ thì nhà nước nên mua lại để sử dụng vào công tác bảo tồn theo hình thức di sản văn hoá, phát triển du lịch và là điểm nhấn của đường ven sông Đồng Nai. Còn nếu chủ sở hữu thuộc người dân thì rất khó để sử dụng, bảo tồn. Do đó các sở ngành cần tính toán làm sao phù hợp không ảnh hướng đến đường ven sông mà vẫn giữ được căn nhà cổ”, ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.

biệt thự cổ 12.jpg
Nhưng nằm trong dự án làm đường ven sông Đồng Nai nên nhiều khả năng sẽ bị phá bỏ. Ảnh: VŨ HỘI.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai Trần Đăng Ninh, để phát huy hiệu quả việc bảo tồn biệt thự nhà lầu ông Phủ thì cần những kế hoạch cụ thể, làm tới nơi tới chốn vì "Bảo tồn xong rồi làm gì nữa?". Có thể biến nơi đây thành điểm giới thiệu về văn hóa của Biên Hoà hoặc phòng trưng bày các sản phẩm truyền thống của vùng đất Biên Hoà. Muốn làm được điều này thì căn nhà phải thuộc quyền quản lý của tổ chức.

Vì theo ông Trần Đặng Ninh, bây giờ ngôi biệt thự là tài sản của tư nhân, nếu chủ sở hữu không đồng ý làm công tác bảo tồn thì không thể bắt họ làm theo ý của mình. Lúc đó, những công sức, tâm huyết mà ngành văn hóa, các chuyên gia sử học... bỏ ra để giữ lại biệt thự trên trở nên vô nghĩa, về phía chính quyền thì uổng phí tiền bạc.

"Trước dư luận xã hội, trước nguyện vọng của đa số người dân cũng như chủ căn nhà, chính quyền chấp nhận nắn đường, giữ lại ngôi biệt thự, nhưng ai đứng ra cam đoan ngôi nhà sẽ được bảo tồn mãi mãi vì đây chưa phải là di tích?. Chủ nhà có thể sau này đổi ý, không muốn giữ lại mà đập bỏ đi thì sao?", ông Trần Đặng Ninh lo ngại.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết đây là ngôi nhà có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Toàn bộ vật liệu để xây dựng ngôi nhà được nhập từ Pháp.

"Trong quy hoạch phát triển, việc nắn lại tuyến đường hoàn toàn trong khả năng của cơ quan chức năng, không nhất thiết mọi con đường đều phải thẳng. Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, chúng ta sẽ tạo ra được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với trên bờ và giữa ngôi biệt thự này với các công trình cổ khác một cách bền chặt hơn” - ông Trần Quang Toại nêu quan điểm.

Đường ven sông Đồng Nai là dự án trọng điểm của tỉnh, có chiều dài hơn 5 km, kéo dài từ cầu Hóa An (TP. Biên Hòa) đến xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Để có mặt bằng thực hiện dự án, hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời toàn bộ hay một phần, trong đó có biệt thự 100 tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh với giá bồi thường gần 5,4 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm