Theo tài liệu ghi lại, làng An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, được hình thành từ thế kỷ XVII. Đây là nơi cộng cư của người Việt và người Hoa phát triển thành thị tứ An Thái vào thế kỷ XVIII. Nơi đây còn nổi tiếng là một làng võ với nhiều nghề truyền thống như làm bún song thằn, dệt lụa, rèn, đúc đồng,...
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, ở Ngũ bang Hội quán (chùa Bà, thờ Thiên hậu Thánh mẫu) khai sơn năm 1873, hội Đổ giàn từng được tổ chức lần đầu vào năm 1933 (Quý Dậu), sau đó vào các năm 1937 (Đinh Sửu) và 1941 (Tân Tỵ). Tuy nhiên, từ năm 1945 trở về sau, do chiến tranh, lễ hội này dần trở nên mai một.
Đến năm 1989, thị xã An Nhơn đã khôi phục một số nghi thức lễ và chi tiết của hội Đổ giàn, nhưng vẫn ở dạng sân khấu hóa. Năm 2005, lễ hội Đổ giàn tại chùa Bà được tái hiện với các nghi thức như: lễ rước nước, rước cỗ, rước Phật, nghi thức cúng chay liền ba ngọ,...
Còn nhà nghiên cứu Trần Duy Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin thị xã An Nhơn, chia sẻ rằng phần đăng đàn chẩn tế và xô cỗ, đổ giàn là tiết mục quan trọng, hấp dẫn nhất, lôi cuốn hàng nghìn người đến xem. Các võ sĩ so tài quyết liệt để giành lấy con heo, thể hiện tinh thần khí phách của từng môn phái. Mục đích ban đầu của lễ hội Đổ giàn là cầu mưa thuận, gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của lễ hội nằm ở tiết mục đổ giàn với sự tham gia tranh tài cướp lấy con heo của các võ sĩ tài nghệ cao cường.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết lễ hội Đổ giàn An Thái đã có từ rất sớm và được coi là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần và thể thao của nhân dân địa phương. “Địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động, coi đây là nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2024, thường xuyên trao đổi với các nhà nghiên cứu để tham khảo ý kiến chuyên môn, hướng đến chuẩn bị chu đáo cho mùa lễ hội định kỳ năm Ất Tỵ 2025”- ông Tiến yêu cầu.