Bình Định trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B

(PLO)- Đại diện Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao lại các hồ sơ, kỷ vật cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ đi B tỉnh Bình Định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-8, Sở Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định khai mạc trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc.

Nhân dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, phối hợp tổ chức trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Bình Định. Hoạt động này diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.

Đại diện Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao lại các hồ sơ, kỷ vật cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ đi B tỉnh Bình Định.

"Cán bộ đi B" là khái niệm được dùng để nói về những cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975.

cán bộ đi B.png
Tài liệu trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TL

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, hoạt động ý nghĩa này nhằm tôn vinh, tri ân những người có công với đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Bà Nga đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để các cán bộ tập kết, đi B được biết thông tin, nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ.

Được biết, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B; trong đó tỉnh Bình Định có 5.442 bộ hồ sơ, là địa phương có số hồ sơ cán bộ đi B nhiều nhất cả nước.

Trưng bày tài liệu chuyên đề Ký ức thanh xuân trên đất Bắc

Thực hiện quy định về chuyển quân tập kết ra Bắc, ngày 31-8-1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Chỉ thị nêu rõ: "Đây là việc cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt, bởi việc đón tiếp, phân phối công tác tìm nơi tạm ở và công việc làm là rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn, không những đối với tinh thần, tư tưởng của những người ra ngoài này mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đối với đồng bào miền Nam ở trong kia”.

Những hình ảnh, tư liệu, tài liệu về việc đón tiếp chiến sĩ, cán bộ, con em miền Nam xuống tàu tập kết của đồng bào miền Bắc sẽ được trưng bày tại trưng bày tài liệu chuyên đề Ký ức thanh xuân trên đất Bắc.

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là những trường dành riêng cho các cháu nhỏ miền Nam, trước hết là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình thuộc diện chính sách được các địa phương miền Nam gửi ra để học tập, nuôi dưỡng, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và cả nước những năm sau này.

Những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện về học sinh miền Nam tỉnh Bình Định được trưng bày tại sự kiện trưng bày tài liệu chuyên đề Ký ức thanh xuân trên đất Bắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm