Bình Thuận cất cánh từ 'khô, khó, khổ' thành xanh, sạch, đẹp, hiện đại

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Bình Thuận cất cánh từ “khô, khó, khổ” sang xanh, sạch, đẹp, khang trang, hiện đại với những tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng khi Bình Thuận cất cánh từ “khô, khó, khổ” sang xanh, sạch, đẹp, khang trang, hiện đại với những tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng trước sự phát triển của Bình Thuận

Chủ tịch Quốc hội vui mừng trước sự phát triển của Bình Thuận. Ảnh: NT

Người đứng đầu Quốc hội tin tưởng Bình Thuận sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu toàn diện, đặc biệt là khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ...

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề đến dân sinh, kinh tế, xã hội. Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 3-9-2013, Bình Thuận có trữ lượng quặng titan 599 triệu tấn (chiếm 92% tổng trữ lượng titan của cả nước.)

Khu vực dự trữ titan và Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích 102.227 ha (chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh), phân bố dọc vùng ven biển, dài trên 100 km.

Tuy nhiên, vùng này tập trung nhiều hoạt động kinh tế, công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tiềm năng để thực hiện các dự án đô thị, du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp - thương mại - dịch vụ...

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án trên các khu vực dữ trữ titan nhưng chưa thể chấp thuận đầu tư vì các khu vực này chưa được Chính phủ quy định thời gian dự trữ nên chưa thể xác định thời gian đầu tư của dự án.

Ngoài ra, có nhiều khu vực thuộc quy hoạch này ven biển nếu đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan, không bảo đảm nguồn nước phục vụ khai thác, tuyển quặng titan.

Titan của Bình Thuận chiếm đến 92% tổng trữ lượng cả nước

Titan của Bình Thuận chiếm đến 92% tổng trữ lượng cả nước. Ảnh: PN

Bình Thuận là tỉnh khô hạn nhất nước nên tỉnh kiến nghị cần tiếp tục đầu tư hồ chứa nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Hồ chứa nước La Ngà 3 (Tánh Linh) là công trình chiến lược đa mục tiêu.

Theo quy hoạch, hồ có dung tích khoảng 470 triệu m3 nước (gấp gần 1,5 lần tổng dung tích của tất cả các hồ chứa hiện nay trên địa bàn tỉnh) sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của toàn bộ khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên vùng biển tỉnh Bình Thuận (cách đất liền khoảng 60 km) hiện có một số mỏ dầu khí như: Rạng Đông, RuBy, Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu từ dầu khí thuộc các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Toàn cảnh buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận với Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: PV

Toàn cảnh buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận với Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: PV

Thời gian qua, hoạt động của các mỏ dầu khí đã làm thu hẹp ngư trường, ảnh hưởng lớn đến môi trường, du lịch sinh thái biển, sinh kế, thu nhập và đời sống của một bộ phận ngư dân ở các địa phương trong tỉnh.

Trong 3 năm (2014 - 2016), Quốc hội có bố trí cho ngân sách tỉnh hàng năm 50 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục ô nhiễm do khai thác dầu khí. Hiện nay, ngoài việc khắc phục ô nhiễm môi trường do khai thác dầu khí, tỉnh rất cần nguồn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, kinh tế biển, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường biển.

Do đó, Bình Thuận đề nghị Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm xem xét, tiếp tục hỗ trợ cho ngân sách tỉnh hàng năm như giai đoạn 2014 - 2016 nêu trên để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, kinh tế biển (cảng cá, trung tâm dịch vụ nghề cá, kè chống xâm thực biển...).

Ngoài ra, hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, cải thiện sinh kế cho ngư dân trong tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng khi 2 tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận hoàn thành sẽ giúp Bình Thuận bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: PN

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng khi 2 tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận hoàn thành sẽ giúp Bình Thuận bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: PN

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, gần khu dân cư tập trung, khu vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm giống của người dân; trong đó, khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân chỉ cách tường rào Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng khoảng 80 m.

Khu vực này có đặc điểm khí hậu thường xuyên có gió lớn kèm lốc xoáy nên trong quá trình hoạt động, các nhà máy nhiệt điện than nêu trên gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực.

Để đảm bảo an toàn về môi trường cho người dân sinh sống gần Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ TN&MT khảo sát, lập chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án di dời các hộ dân tại khu vực xóm 7 tiếp giáp với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 nhằm tạo hành lang an toàn môi trường cho khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân theo quy định về quy hoạch xây dựng…

Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí những kiến nghị của Bình Thuận và giao các cơ quan của Quốc hội tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định; đồng thời chuyển tới Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm