Bình Thuận đặt mục tiêu năm 2030, GRDP bình quân đầu người 7.800 - 8.000 USD

(PLO)- Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt khoảng 4.600 - 4.800 USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XIV vừa ra Nghị quyết số 12/NQ-TU về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bình Thuận có rất nhiều thế mạnh như nông nghiệp, năng lượng nhưng vẫn là tỉnh nghèo.

Bình Thuận có rất nhiều thế mạnh như nông nghiệp, năng lượng nhưng vẫn là tỉnh nghèo.

Nhiều thành tựu nhưng còn hạn chế

Nghị quyết này nêu rõ: Sau 30 năm tái lập (1992 - 2022), tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển đồng đều, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân trong nhiều năm đạt 6,87%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 dự báo đạt 56,28 triệu đồng thuộc nhóm cao trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (năm 2020 là 47,4 triệu đồng).

Kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả; người dân được cung cấp các dịch vụ công ngày càng tốt hơn; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, thu nhập của phần lớn người dân còn thấp; đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và một bộ phận lao động ở khu vực đô thị còn nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ xã hội, nhất là y tế, vệ sinh môi trường… chưa cao.

Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của người dân chưa được đầu tư tương xứng.

Mỏ dầu khí trên vùng biển Bình Thuận.

Mỏ dầu khí trên vùng biển Bình Thuận.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, giải quyết vấn đề lao động và việc làm còn nhiều khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân; kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau còn nhiều thách thức.

Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Lấy người dân làm trung tâm cho sự phát triển

Nghị quyết 12 xác định mục tiêu người dân Bình Thuận phải có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, được thụ hưởng công bằng phúc lợi xã hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công…

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.600 - 4.800 USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,0 đến 2,5 lần so với năm 2020. Diện tích sàn nhà ở bình quân toàn tỉnh: 32 m2/người. Tuổi thọ trung bình của người dân: 76 tuổi. Phấn đấu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Là tỉnh nằm cạnh Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với rất nhiều lợi thế.

Là tỉnh nằm cạnh Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với rất nhiều lợi thế.

Để đạt được những con số ấn tượng này, Nghị quyết 12 xác định phải cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, có khả năng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.

Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại với những sản phẩm thế mạnh, có tiềm năng, lợi thế và có thương hiệu.

Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế, đóng góp vào quá trình phục hồi tài nguyên tái tạo; hỗ trợ xây dựng lối sống xanh và tiêu dùng bền vững, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thanh long là một trong những thế mạnh của Bình Thuận.

Thanh long là một trong những thế mạnh của Bình Thuận.

Tăng cường đào tạo nghề và khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách tín dụng, đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ,... để phát triển kinh tế.

Khuyến khích, động viên, tạo động lực để người dân, người lao động có khát vọng, ý chí vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện nhiều dự án tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành công vụ. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Bình Thuận nổi tiếng là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Bình Thuận nổi tiếng là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư và nâng cấp mạng lưới thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh; duy trì và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của người Bình Thuận. Xây dựng môi trường văn hóa ứng xử lành mạnh, tiến bộ, văn minh từ gia đình đến xã hội. Tiếp tục rà soát quy hoạch, chỉnh trang đô thị, các khu dân cư; từng bước ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông; chống ngập, chống sạt ở khu vực ven biển, ven sông, đồi núi; tăng diện tích công viên, cây xanh các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tăng cường quy hoạch, quản lý quy hoạch và khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang sinh thái, nhà tang lễ, nhà hỏa táng, các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, thu gom và xử lý nước thải. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nguồn nước tại các đô thị, các khu dân cư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải; vận động người dân tự giác dọn vệ sinh nơi ở và bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra hồ, kênh thủy lợi, khu vực công cộng, sông, biển…

Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ; phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng, phát huy tình làng, nghĩa xóm, “tinh thần tương thân, tương ái” trong nhân dân.

Thực hiện tốt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp.

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực giúp nhân dân xóa nhà tạm, dột nát. Thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ ưu đãi, bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các chính sách về nhà ở, sửa chữa, nâng cấp nhà ở…

Trao đổi với PLO, nhiều cán bộ, nhân dân ở Bình Thuận cho biết, đây là Nghị quyết sát sườn, trực tiếp liên quan đến đời sống của người dân. Tuy nhiên quan trọng là tổ chức thực hiện, làm sao để Nghị quyết đi thẳng vào cuộc sống, tạo chuyển biến, thay đổi trên thực tế.

Được biết Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này, trình HĐND tỉnh thông qua các chính sách nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh và triển khai Nghị quyết đến chi bộ và phổ biến rộng rãi đến nhân dân toàn tỉnh.

Trao đổi với PLO, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, lúc đầu, trong Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XIV, không có Nghị quyết này.

Theo ông An, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng là “Thành công của Đại hội không phải ở chỗ thông qua được nghị quyết, bầu ra Ban Chấp hành mới, cái quan trọng hơn là sắp tới phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào… Nước có giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, thế mới là thành công, chứ không phải thông qua nghị quyết, biểu quyết, giơ tay, vỗ tay xong rời coi như thế là Đại hội thành công, đây mới chỉ là một bước”.

Nhận thức chỉ đạo trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngoài xây dựng các Nghị quyết về phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp; chuyển đổi số… Tỉnh ủy Bình Thuận đã hình thành và thống nhất bổ sung các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong 5 năm, 10 năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy