Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa có văn bản báo cáo các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ trong đó có việc thanh toán xử lý chất thải COVID-19 và vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Một nhà máy xử lý rác trên địa bàn Bình Thuận. |
Cụ thể, việc thực hiện xử lý rác thải tại 10 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận phụ trách diễn ra trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp.
Thời điểm trên số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng; rác thải bị chảy nước, sinh giòi… nguy cơ ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh rất cao nên không thể thực hiện các quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Việc xử lý này đã kịp thời khống chế nguồn lây bệnh phát sinh tại các cơ sở thu dung, điều trị. Từ đó góp phần khống chế, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo như tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm phòng, chống dịch thì năng lực xử lý rác thải y tế trên địa bàn tỉnh trong thời điểm từ tháng 8-2021 đến tháng 12-2021 không đảm bảo xử lý được khối lượng rác thải tại 10 cơ sở thu dung, điều trị do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận phụ trách nên Bệnh viện đã chủ động liên hệ thêm với các Công ty ngoài tỉnh nhờ hỗ trợ xử lý.
Do vậy, đến thời điểm hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thanh toán cho Công ty Cổ phần môi trường Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Môi trường xanh PEDACO đối với khối lượng rác thải đã được thu gom và xử lý.
Nguyên nhân là tại thời điểm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận liên hệ với Công ty Cổ phần môi trường Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Môi trường xanh PEDACO để thu gom và xử lý rác thải chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện trong tình hình dịch bệnh cấp bách, đặc biệt là việc thanh quyết toán nguồn kinh phí.
Trong điều kiện bình thường mới hiện nay, việc thực hiện đấu thầu để thanh toán cho các công ty (Công ty Cổ phần môi trường Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Môi trường xanh PEDACO) đã thu gom xử lý rác thải là rất khó khăn do không thể áp giá trúng thầu khối lượng rác thải y tế còn tồn đọng để thanh toán cho khối lượng rác thải đã được xử lý nhằm xác định giá để thanh toán.
Máy xét nghiệm của Công ty Việt Á tại Bệnh viện Bình Thuận và hiện nay Bệnh viện này còn nợ Công ty Việt Á hơn 3,8 tỉ đồng để mua sắm hóa chất, vật tư y tế. |
Trong giai đoạn dịch bùng phát các đơn vị thực hiện mua sắm kít test xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn... chưa kịp thời, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, ca mắc liên tục tăng nhanh, có ngày phải thành lập 1- 2 cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 mới.
Vì vậy các đơn vị thực hiện việc mượn hàng, mua thiếu kít test, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục mua sắm để trả cho nhà cung cấp.
Nguyên nhân theo UBND tỉnh là do dịch tăng nhanh các đơn vị không kịp xin chủ trương, chưa cấp kinh phí nên đã mượn hàng hóa để kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Việc lấy báo giá của các nhà cung cấp gặp khó khăn do giãn cách xã hội; có nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định; mặt khác có một khoảng thời gian do thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại rất phức tạp.
Việc tìm công ty thẩm định giá cũng rất khó khăn do dịch bệnh phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ.
Giá cả biến động rất nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm thì giá cả giảm xuống, các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo.
Một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch có tính đặc thù, không thông dụng, có những loại thiết bị đơn vị chưa sử dụng bao giờ nên rất khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật do phải tham khảo từ các chuyên gia tuyến trên, hãng sản xuất nên việc tìm hiểu được thông tin về thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau là rất khó.
Tên hàng hóa thay đổi, thay đổi mẫu mã, qui cách đóng gói hoặc không còn sản xuất sau khi phê duyệt chủ trương, hoặc thẩm định giá, hoặc có kết quả trúng thầu làm cho việc lựa chọn nhà thầu khó khăn phải nhiều lần xin điều chỉnh chủ trương, thẩm định giá lại, đấu thầu lại… mất rất nhiều thời gian mới lựa chọn được nhà thầu.
“Hiện nay, Quốc hội đã có Nghị quyết số 80/2023/QH15 (09-1-2023) về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có các nội dung chỉ đạo xử lý những khó khăn trong quá trình phòng, chống dịch.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ sớm giao đơn vị chủ trì, xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí để hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận thanh toán giải quyết khối lượng rác thải COVID-19 các công ty đã xử lý với khối lượng: 151.980 kg (Công ty Cổ phần môi trường Khánh Hòa đã thu gom, xử lý là 34.856 kg; Công ty Cổ phần Môi trường xanh PEDACO đã thu gom, xử lý là 117.124 kg).
Đồng thời, giải quyết kinh phí nợ mua sắm vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 mà các Công ty tư nhân đã cung cấp với số tiền hơn 79 tỉ đồng” - UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị.