Ngày 6-5, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gởi các đơn vị, địa phương liên quan về việc bảo đảm trật tự an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn Bình Thuận còn một số tồn tại, bất cập về vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở, lắp đặt biển báo hiệu, cảnh báo…
“Những tồn tại, bất cập này cùng với ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, người dân sinh sống dọc ven đường sắt chưa cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đường sắt”, văn bản nêu.
Cụ thể, theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận, năm 2023, trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2 người, nguyên nhân do người ngồi và nằm trên đường sắt.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn đường sắt, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể tỉnh và UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở.
Yêu cầu người dân sinh sống dọc ven đường sắt có ý thức trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường sắt, không “đi, đứng, nằm, ngồi” trên đường sắt. Đồng thời, phải chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy, tờ rơi, trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook…).
UBND các huyện, TP có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt.
Người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được phân công và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý theo quy định...
Tuyến đường sắt Bắc-Nam qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài 177,614 km Cục Đường sắt Việt Nam từng lo ngại nguy cơ mất an toàn khi trên địa bàn tỉnh có đến 176 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó có 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 45 đường đang có phòng vệ bằng biển báo tự động, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Ngoài ra còn tồn tại đến 112 lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt.