Bộ Công an bỏ đề xuất phân hạng giấy phép lái xe

(PLO)- Bộ Công an bỏ đề xuất phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như dự thảo trước đó mà chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTAT GTĐB). Dự thảo luật này được Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2023).

Bỏ phân hạng chi tiết giấy phép lái xe

Điểm mới của dự thảo lần này là Bộ Công an bỏ đề xuất phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe (GPLX) như dự thảo luật lần trước. Cụ thể, theo dự thảo trước đó, Bộ Công an đề xuất thay đổi phân hạng GPLX, tức sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật GTĐB năm 2008 hiện hành. Thay vào đó sẽ là các hạng GPLX như A, A3, C1, C, B...

Bộ Công an cho hay sự thay đổi trên nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Điểm mới của dự thảo lần này là Bộ Công an bỏ đề xuất phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như dự thảo luật lần trước. Ảnh: PHI HÙNG

Điểm mới của dự thảo lần này là Bộ Công an bỏ đề xuất phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như dự thảo luật lần trước. Ảnh: PHI HÙNG

Ngoài ra, tại Điều 51 trong dự thảo về dự thảo Luật TTAT GTĐB lần này, Bộ Công an đề xuất về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe máy; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh, xe máy chuyên dùng.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Trong khi đó, ở dự thảo hồi tháng 7, Bộ Công an đề xuất người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy. Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A2, A, A3, B. Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C1, C, BE. Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D2, C1E, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D2E, DE.

Tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Theo dự thảo trước đó, Bộ Công an đề xuất thay đổi phân hạng GPLX tức sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật GTĐB năm 2008 hiện hành.

GPLX cấp trước ngày 1-7-2012 phải đổi sang GPLX mới

Điều 81 của dự thảo mới nhất này quy định về điều kiện chuyển tiếp. Theo đó, GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX.

GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Giấy chứng nhận đăng ký biển số xe máy chuyên dùng cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng.

Còn tại dự thảo lần trước đề xuất chuyển tiếp như sau: GPLX đã được cấp theo Luật GTĐB năm 2008 được tiếp tục sử dụng, đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 43 của luật này thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.

GPLX hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB năm 2008 được đổi, cấp lại như sau: GPLX hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng; GPLX hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A1;

GPLX hạng A đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A2; GPLX xe hạng B đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1, B2; GPLX hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng D; GPLX hạng D đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng E;

GPLX hạng BE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FB2; GPLX hạng CE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FC; GPLX hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FD; GPLX hạng DE đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng FE.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm