Bộ Công Thương đề xuất giá điện sinh hoạt cao nhất 3.786 đồng/kWh

(PLO)- Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để thay thế cho Quyết định 28/2014.

Bộ Công Thương cho biết, đây là dự thảo lần 3, đã rà soát, hiệu chỉnh, đảm bảo phù hợp với Luật Điện lực năm 2024.

Giá điện sinh hoạt giảm từ 6 bậc còn 5 bậc

Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Bậc 1 cho 100kWh đầu tiên; bậc 2 cho 101-200kWh; bậc 3 cho 201-400kWh; bậc 4 cho 401-700kWh; bậc 5 cho 701 kWh trở lên.

Trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại.

Cụ thể, giữ nguyên giá cho bậc 1 để đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Số hộ này đang chiếm 33,48%. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện ở bậc 4 và bậc 5, từ 401kWh trở lên.

Bộ Công Thương đang đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Giá điện cho bậc 2 và từ 201-300kWh cũng được giữ nguyên như hiện hành. Giá điện cho các bậc 4, 5, tức là từ 401-700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế tăng trong cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện là 2.103,11 đồng/kWh (áp dụng từ ngày 11-10-2024). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.893 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.786 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.

Đề xuất áp biểu giá điện riêng cho trạm, trụ sạc xe điện

Về cơ cấu giá bán lẻ điện áp dụng cho mục đích trạm, trụ sạc xe điện, Bộ Công Thương đã xây dựng ba phương án.

Phương án 1: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh (theo ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Bộ Công Thương đánh giá phương án này có thể có tác động không tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện. Đồng thời chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện, gây ra cho hệ thống điện, tiếp tục tạo ra bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng.

Bộ Công Thương đề xuất áp biểu giá điện riêng cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện với cơ cấu ở giữa giá sản xuất và giá kinh doanh. Ảnh: MINH TRÚC

Phương án 2: Áp dụng giá điện cho mục đích kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới. Phương án này có tính đến đặc điểm sử dụng điện của nhóm khách hàng này khác với các khách hàng kinh doanh khác.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trục sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện, đảm bảo đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện, không có bù chéo giá điện giữa nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện và nhóm khách hàng còn lại.

Theo kết quả tính toán, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện thấp hơn mức áp dụng cho khách hàng kinh doanh và cao hơn so với khách hàng sản xuất.

Phương án 3: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất. Đây là đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast; Công ty CP sản xuất và kinh doanh Vinfast.

Theo tính toán, nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá sản xuất sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 552 đồng/kWh - 699 đồng/kWh tuỳ cấp điện áp. Còn nếu áp dụng theo giá kinh doanh thì khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân từ 467 đồng/kWh - 587 đồng/kWh, tuỳ cấp điện áp.

Xét ba phương án, Bộ Công Thương đánh giá phương án 1 và 3 sẽ tiếp tục làm phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện, khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị và lộ trình giảm bù chéo giá điện của Luật Điện lực năm 2024.

Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án 2 vì phương án này được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí của nhóm khách hàng sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.

Trước đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại việc tách trạm, trụ sạc xe điện thành một nhóm khách hàng riêng. Lý do số lượng khách hàng này không đại diện cho nhóm khách hàng lớn sử dụng điện.

Bộ Công Thương cho biết theo số liệu thống kê năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của nhóm khách hàng sạc xe điện chiếm tỉ trọng 0,031% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống.

Công ty CP phát triển trạm sạc toàn cầu V-Green dự báo, nhu cầu trạm, trụ sạc xe điện giai đoạn 2025-2030 tăng khoảng 277,31%; giai đoạn 2030-2035 tăng 9,13%. Như vậy, nhu cầu điện cho trạm, trụ sạc xe điện đến năm 2035 tương đương nhu cầu điện cho các cơ sở lưu trú du lịch của năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới